Aa

Đầu tư công: Quan trọng là phải chi đúng

Thứ Năm, 15/11/2018 - 06:01

Thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị, chống ngập và biến đổi khí hậu là một thực trạng nhiều năm qua của TP.HCM, một trong những đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Theo ước tính của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 850.000 tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng 20%. Không khó để tìm ra các bài báo phân tích việc TP.HCM thiếu vốn đầu tư hạ tầng đô thị, thiếu vốn làm metro, thiếu vốn chống ngập trong suốt từ giữa 2017 tới nay.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của tphcm giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng 20%. Ảnh: Lê Anh

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 850.000 tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng 20%. Ảnh: Lê Anh

Nghịch lý thiếu vốn đầu tư, thừa tiền kho bạc

Trên phạm vi cả nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa công bố báo cáo thẩm tra việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Báo cáo này cho biết nếu tính đủ các nguồn vốn mới phát sinh như nguồn để lại cho đầu tư cho tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông (Viettel)... thì tổng mức vốn giai đoạn 2016 - 2020 sẽ vượt mức 2 triệu tỷ đồng.

“Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương trong hai năm 2019 - 2020, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí khoảng 237.000 tỷ đồng. Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn là khó khăn...”.

Trong bối cảnh thiếu vốn để phát triển và dự toán chi ngân sách căng thẳng như vậy, giải ngân tiền đầu tư công lại chậm. Theo số liệu báo cáo giải ngân của Kho bạc Nhà nước, có 30/56 bộ, ngành trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% kế hoạch năm. Trong đó, còn chín bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Bộ Tài chính đang phải đem hàng chục ngàn tỷ đồng đi gửi ở các ngân hàng thương mại (xem Tiền gửi Kho bạc Nhà nước, công cụ mới trên thị trường tiền tệ trên TBTKSG số 32/2018 ra ngày 9/8/2018).

Đây là một nghịch lý nguy hiểm. Có người nói Nhà nước như anh nhà giàu mới nổi nhờ bán tài sản giá trị cao, giờ không biết dùng tiền như thế nào. Nghe qua thì có thể chỉ là câu nói đùa nhưng nghĩ kỹ thì thấy đáng lo.

Nhìn cách Trung Quốc tiêu tiền: đầu tư công đúng chỗ sẽ nâng đẳng cấp nền kinh tế

Nếu so hạ tầng Việt Nam hiện tại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, những nước mà chúng ta muốn hướng tới bắt kịp, hạ tầng Việt Nam đang lạc hậu thấy rõ. Về mặt đầu tư cho con người, chính sách thu hút nhân lực của Việt Nam không thể nào so sánh với chính sách chi tiền đào tạo nhân lực của Trung Quốc chứ đừng nói với Hàn Quốc hay Singapore.

Có người nói Nhà nước như anh nhà giàu mới nổi nhờ bán tài sản giá trị cao, giờ không biết dùng tiền như thế nào. Nghe qua thì có thể chỉ là câu nói đùa nhưng nghĩ kỹ thì thấy đáng lo.

Một đồng nghiệp của người viết, chuyên nghiên cứu về robot, mới đi hợp tác nghiên cứu ở Nhật và Trung Quốc về kể rằng môi trường đầu tư cho công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc đi nhanh đến bất ngờ và anh dự đoán họ sẽ nhanh chóng vượt lên trong số các nước hàng đầu thế giới về mặt công nghệ này.

Anh kể rằng các cơ sở nghiên cứu tự động hóa và thông minh nhân tạo ở Trung Quốc “bơi trong tiền” và dân của họ không chống đối lại việc ứng dụng robot vào xã hội mạnh như dân Anh (đang mãi ngồi cãi nhau robot sẽ làm tổn hại xã hội ra sao, hay vấn đề đạo đức trong phát triển robot và thông minh nhân tạo). Từ vị trí ở xa ngoài tốp 20 quốc gia về số robot công nghiệp trên 10.000 công nhân năm 2016, Trung Quốc đã lọt vào nhóm quốc gia này trong báo cáo IFR World Robotics 2018. Báo cáo này cũng nhận xét Trung Quốc là một trong năm thị trường robot lớn nhất thế giới tính theo doanh thu 2017, cùng với Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đức. Anh bạn đồng nghiệp nhận xét hạ tầng của Trung Quốc đủ tốt, chính phủ chi đủ tiền đầu tư thì tư nhân mới có thể làm được những thứ như thế.

Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều tiền ngân sách vào nguồn nhân lực. Không tính số tiền khổng lồ họ bỏ ra để thuê mướn chuyên gia khoa học nước ngoài chất lượng cao và số chuyên gia Trung Quốc ở nước ngoài về Trung Quốc làm việc, họ cũng đang nâng cấp nguồn nhân lực đào tạo tại Trung Quốc qua các quỹ nghiên cứu trao đổi.

Hiện tại, ở các trường đại học hàng đầu của Anh, không khó để tìm thấy những người đi trao đổi nghiên cứu từ các đại học Trung Quốc gửi sang. Tôi đang làm việc với một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Trung Quốc đang đi trao đổi nghiên cứu một năm tại Anh nhờ học bổng toàn phần từ Quỹ Nghiên cứu CSC của Trung Quốc. Cô cho biết phần học bổng và chi phí ăn ở họ trả cho cô còn cao hơn học bổng của các nghiên cứu sinh tiến sĩ khác ở Đại học Bristol nhận được. Và trong khi các nghiên cứu sinh ở Bristol phải đi làm trợ giảng như một phần trách nhiệm để nhận học bổng, bạn nghiên cứu sinh trao đổi này sang chỉ việc tiêu tiền và làm nghiên cứu, miễn sao có bài đăng quốc tế là được.

Đầu tư công không đúng cách sẽ tụt hậu

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, với tỷ trọng giữa thương mại và GDP của Việt Nam xấp xỉ 200%. Vì vậy, những biến động quốc tế như chiến tranh thương mại, khủng hoảng nợ... đều có thể tác động lớn đến nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần có một công cụ khác để làm bệ đỡ trong trường hợp biến động quốc tế tác động xấu đến nền kinh tế. Tỷ giá linh hoạt và đầu tư công là hai công cụ có thể sử dụng (mặc dù hữu hiệu nhất là tạo ra một nội lực kinh tế đủ mạnh).

Đầu tư công, nếu chi đúng, sẽ không chỉ kích thích kinh tế ngắn hạn mà còn tạo ra nền tảng tăng trưởng dài hạn qua đầu tư vào con người, năng lực công nghệ và hạ tầng. Kinh tế TP.HCM và nhiều địa phương khác chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn nếu giải quyết được ngập nước, kẹt xe, khiến người dân tốn ít thời gian vật lộn trên đường hơn.

Tuy nhiên, những phát biểu từ phía đại biểu quốc hội cũng cho thấy một số quan ngại khá hợp lý rằng nếu vì đẩy nhanh giải ngân đầu tư công mà sửa Luật Đầu tư công theo hướng quá thoáng thì lại dẫn đến nguy cơ đầu tư dàn trải, lãng phí. Câu chuyện nhà hát ngàn tỉ ở TP.HCM vừa qua là một tình huống cho thấy các đại diện của dân trong Quốc hội lo ngại cũng có lý.

Hay như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng nhưng mưa vài trận đã hỏng, được xem là điển hình của sự lãng phí tiền ngân sách. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng Dự luật Đầu tư công sửa đổi được trình Quốc hội lần này mới chỉ cắt giảm cơ học thủ tục hành chính, giấy tờ để đẩy nhanh tiến độ cấp vốn.

Vì vậy, có thể nói hiện tại Việt Nam chỉ mới quan tâm gỡ rối vấn đề chi tiền chậm, chứ chưa có giải pháp cụ thể để làm sao chi tiền đúng. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng, theo người viết, là do thiếu minh bạch về chuyện chi tiền và trách nhiệm cá nhân.

Nếu lãnh đạo của các địa phương, bộ, ngành liên quan đến dự án mà được gắn trách nhiệm và tưởng thưởng tương xứng với thành quả dự án, thì may ra vấn đề chi tiền đúng mới được giải quyết. Cũng có người bàn đến vấn đề trách nhiệm cá nhân đối với dự án, nhưng nếu chỉ nói trách nhiệm thì chỉ mới một phía. Nếu quy trách nhiệm cá nhân nhiều quá mà không có tưởng thưởng tương xứng, thì lãnh đạo nào dám ký duyệt cho dự án đầu tư có chút rủi ro. Bất kỳ một dự án đầu tư nào có tính đột phá cho tăng trưởng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Muốn người ta chấp nhận rủi ro, phải có tưởng thưởng xứng đáng.

Tóm lại, với đầu tư công, nếu chậm chân trong đầu tư vào hạ tầng, năng lực công nghệ và con người, Việt Nam không thể bàn đến cách mạng 4.0 gì cả. Nhưng ở khía cạnh khác, chi tiền nhanh mà chi sai thì cũng nguy hại không kém.

Đầu tư công nếu siết quá sẽ tụt hậu, nhưng chi sai cũng tụt hậu. Bởi vậy, đầu tư công đang là một nút thắt khó gỡ đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mà một phần không nhỏ là do người dân không dám tin rằng người được giao tiền sẽ chi tiền đúng.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top