Hết thời “lướt sóng”
Nếu ở giai đoạn trước, nhiều người có xu hướng tham gia đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông với mục đích là “lướt sóng” để kiếm lời, thì ở thời điểm hiện tại, sự thận trọng mới là yếu tố được đề cao số một khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối Kinh doanh và Tiếp thị Tập đoàn CNT Group, ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại “găm tiền” vào bất động sản. Tuy vậy, giữa lúc thị trường đang gặp khó khăn, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn vốn hướng tới đầu tư trung, dài hạn.
“Nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều vào việc lướt sóng, không chỉ ở thời điểm này, mà cả trong vài năm tới. Thị trường bất động sản Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập mặt bằng giá mới trên diện rộng, song điều này không có nghĩa là triệt tiêu hình thức đầu tư lướt sóng. Nếu tính toán đúng, nhà đầu tư vẫn có thể “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng tôi cho rằng, tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn những năm trước”, ông Toàn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Toàn, hậu sốt đất và Covid-19 là thời điểm để các nhà đầu tư đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp danh mục đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trước những thông tin quy hoạch, không đổ xô đi mua khi mới “nghe hơi”. Đây là bài học cần thiết để thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, bền vững. Đầu tư trung và dài hạn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, sau dịch, chắc chắn thị trường vẫn đối diện với những khó khăn, không còn sôi động như trước. Song thị trường lắng xuống cũng giúp các nhà đầu tư dài hạn lựa chọn được sản phẩm “sạch”, uy tín, mà không phải cạnh tranh quá nhiều. Lãi suất vay mua nhà nhiều khả năng giảm, trong khi đó, các chủ dự án lại đưa ra các chính sách, gói ưu đãi sản phẩm, cũng mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho nhà đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu ở thực.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Quang cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và cả khi đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nhà đầu tư cần tỉnh táo, chắc chắn, đặc biệt xem xét nhiều yếu tố trong đánh giá sản phẩm định mua. Nếu sản phẩm khu vực đó có khả năng sinh lợi ngay như cho thuê chẳng hạn, thì có thể xuống tiền, chứ nếu mua chỉ vì trông chờ vào tương lai sẽ có quy hoạch nọ kia… thì nên cân nhắc, bởi chẳng khác nào đánh bạc.
Đáp ứng khẩu vị nhà đầu tư
Hiện nhiều nhà đầu tư đã thay đổi chiến lược, không còn chạy theo những cơn sốt đất, mà có sự chọn lọc hơn về thị trường cũng như sản phẩm. Bài học đầu tư theo đám đông, chạy theo những cơn sốt rồi bỗng vỡ bong bóng chỉ sau vài ngày đã khiến không ít người nếm trái đắng.
Bài toán đối với doanh nghiệp địa ốc lúc này là làm gì để đáp ứng “khẩu vị” của các nhà đầu tư?
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, trước tiên là phải chọn địa điểm để phát triển dự án. Địa điểm phải đảm bảo các yếu tố phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương theo chiến lược phát triển chung của khu vực. Thứ hai là cần phân kỳ đầu tư hợp lý và phát triển hạ tầng giao thông đi cùng với các tiện ích nội khu để phục vụ cư dân về ở.
Theo bà Hương, hơn 80% dự án ở vùng ven chỉ dừng lại ở việc phân lô, bán nền. Chủ đầu tư ít quan tâm đến xây dựng và phát triển các tiện ích theo cam kết trong quy hoạch, như vậy rất khó để cư dân về ở trong môi trường không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu như trường học, bệnh viện, khu mua sắm, hay đảm bảo an ninh cho gia đình...
Ghi nhận của phóng viên, những dự án chạy theo trào lưu, nhu cầu ngắn hạn đang dần bị thế chỗ bởi các dự án đầu tư lâu dài về cả quy mô lẫn chất lượng, cũng như đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn, bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3 đến 5 năm, chứ không kỳ vọng vào lướt sóng tức thì.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group, Covid-19 chính là phép thử về tiềm lực của doanh nghiệp trước những biến động của nền kinh tế thị trường. Hơn 1 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề trên mọi mặt của đời sống. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, đại dịch khiến cho nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu vận hành, cân nhắc tung ra thị trường sản phẩm mới, bởi sức mua giảm, nhiều hệ lụy của dịch bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ dè chừng xuống tiền.
“Covid-19 đã khiến cho người mua nhìn nhận lại những vấn đề mà trước đó họ chưa coi trọng như không gian sống, vị trí căn hộ, tiện ích nội khu… liệu đã thực sự phù hợp? Đồng thời, đây cũng chính là những tác động để doanh nghiệp nghiên cứu, nhìn nhận lại những xu hướng, tư duy chọn lựa sản phẩm đầu tư của khách hàng”, ông Quyền nói./.