Aa

Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây tuyến đường nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Thứ Bảy, 08/06/2024 - 15:05

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngày 5/6/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần (Nam Định)".

Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây tuyến đường nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình- Ảnh 1.

Dự án sẽ kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần (Nam Định)

Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng, có nhiệm vụ kết nối các huyện phía Đông Nam của tỉnh gồm huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân... được HĐND tỉnh Hà Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/6/2022 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 4000/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2022.

Dự án đang trong quá trình thi công, trong đó đoạn từ Quốc lộ 1 đến nút giao thông Liêm Sơn là đoạn đã có phần nền đường rộng 55m xây dựng trước đây. Hiện, huyện Thanh Liêm đang triển khai phê duyệt quy hoạch, trong đó dọc tuyến đoạn này sẽ tập trung các khu công nghiệp, khu đô thị, do vậy để đảm bảo việc kết nối thuận lợi cho nhân dân đi lại, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, cây xanh, chiếu sáng để thu hút các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, các khu đô thị tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội vùng huyện Thanh Liêm nói riêng, tỉnh Hà Nam nói chung.

Mặt khác theo kiến nghị của cử tri địa phương đề nghị bổ sung các hạng mục trên nên việc bổ sung đường mỗi bên rộng 7,5m, bổ sung cây xanh và điện chiếu sáng dọc tuyến rất cần thiết. Từ những thực tế như trên, HĐND tỉnh Hà Nam đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 15/5/2024.

Theo công bố, dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư; Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (trụ sở tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) là đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án được giữ nguyên 4.950 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 dự kiến 3.742 tỷ đồng, thực hiện từ nay tới năm 2026 và giai đoạn 2 đầu tư trên 1.207 tỷ đồng, thực hiện từ 2026 - 2027.

Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây tuyến đường nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình- Ảnh 2.

Bản đồ hướng tuyến của dự án

Dự án gồm 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 46,5km. Tuyến 1 kết nối Quốc lộ 1A với đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; có điểm đầu: Km0+00 giao với Quốc lộ 1A (khoảng Km244+150/QL.1A) thuộc địa phận xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; điểm cuối: Km31+909 giao với đường nối hai cao tốc tại nút giao thông Thái Hà - Hưng Hà (Km24+136/ đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Chiều dài tuyến 1 khoảng 31,9km, trong đó tận dụng hoàn toàn đoạn tuyến từ ĐT.491 (Km29+226) đến đường nối hai đường cao tốc dài 2,68km do UBND huyện Lý Nhân đã đầu tư. Vì vậy, chiều dài tuyến 1 thực tế khoảng 29,226km từ Quốc lộ 1 đến giao ĐT.491 (Km29+226).

Tuyến 2 có chiều dài khoảng 14,65km, kết nối 2 di tích Quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương tỉnh Hà Nam và Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần tỉnh Nam Định; có điểm đầu: Km0+00 giao với đường ĐT.499 (khoảng Km1+963/ĐT.499), thuộc địa phận xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; điểm cuối: Km14+650 giao với Quốc lộ 38B (khoảng Km79+330/QL38) thuộc địa phận xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân.

Về tình hình giải phóng mặt bằng, hiện nay huyện Thanh Liêm cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Với huyện Lý Nhân, tổng 02 tuyến là 19,95km (tuyến 1 (495B) là 5,3km; tuyến 2 (nối 2 đền Trần) là 14,65km), trong đó tuyến số 1 đã bàn giao mặt bằng được khoảng 3,8km/5,3km; tuyến số 2 được khoảng 11,7km/14,65km. Tuyến số 1 chưa bàn giao mặt bằng 1,5km/5,3km; tuyến số 2 là 2,95km/14,65km do vướng đất ở, đất UB và công trình công cộng. Với huyện Bình Lục, tổng tuyến là 13,38km, đến nay đã tạm bàn giao mặt bằng được 12,3km/13,38km. Còn lại đất ở, đất UB và công trình công cộng.

Tổng diện tích chiếm dụng đất của Dự án khoảng 263,066ha, nằm trong danh mục các dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện Thanh Liên, Bình Lục, Lý Nhân.

Trong đó, đất giao thông hiện trạng (đường cũ) 100,215ha; diện tích thu hồi thêm khoảng 162,854ha, gồm các loại đất ở 4,724ha; đất trồng lúa nước 120,522ha; đất nông nghiệp trồng cây hàng năm 4,211ha; đất trồng cây lâu năm 2,973ha; đất nuôi trồng thủy sản 17,686ha; đất nghĩa trang 0,304ha; đất ao hồ, kênh, mương 3,506ha; đất giao thông 7,493ha; đất khác 1,432ha. Hầu hết diện tích đất do địa phương quản lý và giao cho các hộ dân sử dụng (đất ở, đất nông nghiệp).

Hà Nam là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, phía Bắc và Tây Bắc giáp với TP. Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Nam Định, phía Tây Nam giáp tỉnh Ninh Bình và phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình.

Tinh Hà Nam bao gồm 6 đơn vị hành chính: TP. Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng, huyện Lý Nhân, huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua như trục đường Quốc lộ 1A, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường sắt Bắc - Nam và một số tuyến đường liên tỉnh khác như Quốc lộ 21A, 21B, 38, đường tránh TP. Phủ Lý, các tuyến đường nội tỉnh: ĐT.491, ĐT.493, ĐT.494...

Thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện giao thông sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá tỉnh Hà Nam với các tỉnh khác, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội. Tỉnh Hà Nam có tổng diện tích tự nhiên 86.193,4ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 60,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Ngoài ra còn có một diện tích lớn đất chưa sử dụng có thể khai thác phục vụ cho mục đích phát triển công nghiệp và xây dựng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top