Dấu ấn Di sản một thập kỷ
Mới đây, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Sự kiện này đã đánh dấu một thập kỷ của sự công nhận toàn cầu về giá trị to lớn của Danh thắng Tràng An - di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Ninh Bình trở thành điểm dừng chân mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa và lịch sử của Việt Nam.
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, gồm 3 khu bảo tồn: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Đây là nơi lưu giữ bảo tồn các di tích khảo cổ học Tiền sơ sử và di tích lịch sử văn hóa với nhiều dấu tích về lịch sử nhân loại, dân tộc trong nền cảnh địa chất, địa mạo riêng có với hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi.
Vào năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An chính là di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới bởi đáp ứng được tiêu chí V về văn hóa và hai tiêu chí VII, VIII về thiên nhiên là vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - Phạm Quang Ngọc, sau 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An được nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đồng thời, Quần thể danh thắng Tràng An cũng đóng vai trò hạt nhân, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình theo đúng định hướng.
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay, thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động du lịch được nâng cao rõ rệt, số lao động trực tiếp tại Tràng An đạt hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người. Nhiều năm liền, Ninh Bình với Quần thể danh thắng Tràng An luôn nằm trong top 15 điểm đến hàng đầu thế giới, top 10 tỉnh có lượng du khách đến cao nhất cả nước. Từ hơn 2,2 triệu lượt khách năm 2014, Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách năm 2023, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Trong quý I/2024, kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ tăng trưởng đạt 8,02%, vượt kịch bản đề ra và xếp thứ 5 khu vực Đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 12 toàn quốc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ.
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cũng góp phần tạo cơ hội và động lực để Ninh Bình thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới. Du lịch phát triển đã giúp khôi phục lại các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một như nghề thêu ren Ninh Hải, gốm sứ Bồ Bát, đá mỹ nghệ Ninh Vân, góp phần phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới... Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm khu vực thương mại, dịch vụ của Ninh Bình đạt trên 20.400 tỷ đồng, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số. Các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên đã khẳng định vai trò là động lực quan trọng đưa Ninh Bình phát triển ngoạn mục, có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,27% (năm 2023), cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Bên cạnh Danh thắng Tràng An, Ninh Bình còn được tạo hóa ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… Ninh Bình cũng được biết đến là cái nôi của văn hoá truyền thống với những di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt như: Khu di tích, lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính,.. Chính những thắng cảnh mang đậm dấu ấn thiên nhiên và văn hoá trên đã mở ra một hệ sinh thái du lịch đầy tiềm năng cho Ninh Bình, góp phần tạo nên động lực lớn giúp Ninh Bình thu hút và phát triển du lịch. Đó cũng là tiền đề để du lịch Ninh Bình bứt phá, mang lại những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Diễn biến sôi động của thị trường bất động sản du lịch Ninh Bình
Theo nhận định của giới chuyên môn, sự tăng trưởng của ngành du lịch Ninh Bình trong thời gian qua với điểm nhấn là Quần thể Danh thắng Tràng An đã tạo ra không gian mới để Ninh Bình thu hút đầu tư, góp phần hình thành và phát triển loại hình bất động sản du lịch với nhiều tiềm năng. Kéo theo nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực lưu trú.
Có thể thấy, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, homestay, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Tính đến nay toàn tỉnh Ninh Bình có 811 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 10.339 phòng nghỉ trong đó: 146 khách sạn chiếm 18% tổng số cơ sở lưu trú; 332 nhà nghỉ chiếm 40,9% tổng số cơ sở lưu trú; 333 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) chiếm 41% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 cơ sở đạt 3 - 4 sao và 30 cơ sở đạt 1 - 2 sao.
Cũng theo thống kê mới nhất của Sở du lịch tỉnh Ninh Bình, trong tháng 4/2024 vừa qua, tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 852,6 nghìn lượt khách, tăng 82,4%; số ngày khách lưu trú ước đạt 936,4 nghìn ngày khách, tăng 61,6%. Công suất sử dụng phòng bình quân toàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa rồi đạt từ 85 - 90%, một số cơ sở lưu trú có công suất sử dụng phòng cao như: Khách sạn Ninh Bình Legend 90%, khách sạn Hoàng Sơn 85%, Vedana Reort 100%, Emeralda Resort 90%, khách sạn MT Collection 100%…
Trên các diễn đàn, hội nhóm kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Ninh Bình, tình hình cho thuê buồng/phòng, dịch vụ diễn ra sôi nổi, nhiều khách sạn, homestay và resort ghi nhận tỷ lệ kín phòng cao. Đồng thời, tại các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm du lịch Ninh Bình, các bài đăng với nội dung quảng cáo dịch vụ lưu trú luôn nhận được lượng lớn sự quan tâm lớn từ khách hàng có nhu cầu.
Trao đổi Reatimes, anh Hà Huy Anh (30 tuổi), hiện đang làm dịch vụ cung cấp khách sạn, homestay và villa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho biết, trong khoảng 3 - 4 năm trước đây, lượt khách đến Ninh Bình có nhu cầu lưu trú tăng lên khá nhiều, các địa điểm lưu trú luôn có lượng khách nhất định đặt phòng quanh năm. Tại các khu vực trung tâm Ninh Bình, mức tăng thực tế khoảng 20 - 30% và sẽ có xu hướng tăng thêm do hiện nay nhu cầu trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm văn hoá của du khách đang là xu hướng "hot".
"Dù là ngày thường, thế nhưng quỹ phòng tại các khách sạn, homestay và villa do tôi đảm nhận đặt phòng đều đạt gần tối đa công suất, ở mức trên dưới 70%. Trong dịp lễ, Tết, tỷ lệ lấp đầy đạt gần như 100%, nếu không đặt trước hoặc chốt nhanh thì khả năng cao là không còn phòng để nghỉ", anh Huy Anh chia sẻ.
Cũng theo anh Huy Anh, phần trăm số lượng du khách có nhu cầu trải nghiệm dịch vụ lưu trú cấu thành từ 3 yếu tố, một là do lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng đặc biệt là có thắng cảnh Tràng An, hai là từ xu hướng trải nghiệm du lịch ven đô, du lịch các tỉnh thành lân cận đang ngày một được ưa chuộng, và cuối cùng là do bản thân giá trị của sản phẩm lưu trú đang ngày một được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Phân khúc lưu trú tại đây không tăng đột biến theo trào lưu mà tăng cực kỳ ổn định, những khu vực đẹp thì du khách đến đông hơn, tuỳ vị trí.
Theo anh Nguyễn Văn Bình, chủ một homestay tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình cho biết, homestay của gia đình anh hiện có 12 phòng riêng và một phòng tập thể, vào mùa du lịch cao điểm, các phòng nghỉ đều được du khách gọi điện đặt trước 2-3 ngày. Giá phòng nghỉ năm nay so với năm ngoái không có chênh lệch nhiều, năm ngoái giá phòng đôi là 650.000 đồng/ngày thì năm nay tăng lên 700.000 đồng/ngày.
"Homestay của gia đình tôi nằm cạnh các khu du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như: Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Thung Nham... rất tiện cho du khách nghỉ dưỡng và tham quan nên được nhiều du khách lựa chọn", anh Bình chia sẻ.
Cũng theo anh Bình, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay đã đem lại cho anh và gia đình mức thu nhập tương đối ổn định, vào mùa du lịch, trừ đi chi phí vận hành, lợi nhuận thu về đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng/tháng.
Với số lượng khách du lịch tăng ổn định và nhu cầu lưu trú lâu cao, cùng với đó là các chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ du lịch; cộng thêm việc Ninh Bình là tỉnh có dân số ít (trên 01 triệu người), nhu cầu về bất động sản đô thị chưa có nhiều, lại cách Hà Nội - một trong hai trung tâm phân phối khách lớn nhất cả nước hơn 90km, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; bất động sản du lịch đang là loại hình nổi bật nhất của Ninh Bình trong những năm gần đây, là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đại Phúc, Tổng giám đốc Công Ty Bất Động Sản Phúc Vương Land, bất động sản du lịch đang là loại hình nổi bật nhất của Ninh Bình trong những năm gần đây, là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nhờ khả năng kiến tạo không gian nghỉ dưỡng hài hòa, phù hợp với các mô hình lưu trú du lịch. Việc đầu tư vào bất động sản du lịch đang là bài toán kinh doanh hấp dẫn tại Ninh Bình, góp phần mở ra cơ hội tối ưu dòng tiền và sinh lời bền vững cho các nhà đầu tư.
Bằng chứng cho thấy, hàng loạt các nhà đầu tư lớn đã đến với Ninh Bình và triển khai nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, góp phần nâng tầm vị thế của tỉnh thành này trên thị trường bất động sản du lịch. Điển hình như "ứng viên" sáng giá Công ty CP Bán đảo Kênh Gà với "siêu" dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình có tổng đầu tư lên tới 1 - 1,5 tỷ USD, rộng gần 2.000ha, hay Công ty CP dịch vụ Cúc Phương với dự án Vedana Resort,...
Bên cạnh đó, những năm gần đây thị trường bất động sản du lịch Ninh Bình cũng chứng kiến sự hình thành của hàng loạt các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô như: Khách sạn Legend, Hidden Charm Resort, Khách sạn The Reed, Thung Nham Resort, Tam Coc Garden,…
Ông Nguyễn Đại Phúc cũng cho biết thêm, đầu tư vào những dự án bất động sản du lịch nghi dưỡng theo mô hình gắn kết chặt chẽ với nên tảng di sản văn hoá sẵn có tại địa phương là hướng đi bền vững cho các đơn vị phát triển bất động sản du lịch, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch nội địa phát triển.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc khai thác các dự án bất động sản du lịch tại Ninh Bình vẫn còn là thách thức với các nhà đầu tư. Với nền tảng văn hoá sẵn có, mô hình bất động sản du lịch tại đây có thể không quá khó để triển khai, nhưng để tạo ấn tượng và thành công thì sẽ là một câu chuyện dài, đòi hỏi chủ đầu tư cần phải luôn không ngừng nghiên cứu thị trường, nắm bắt được cách vận hành bài bản, đồng thời ý thức được tầm quan trọng của phát triển bất động sản dựa trên nguyên tắc cân bằng giữa thu hút du khách và bảo tồn di sản văn hoá truyền thống của địa phương, để từ đó tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng trên thị trường.
"Việc đầu tư vào loại hình bất động sản du lịch cần các nhà đầu tư có nguồn vốn lớn và vững chắc; khi bắt tay vào tiến hành đầu tư cần phải có tầm nhìn chiến lược, đồng thời có sự cân nhắc thật kỹ trước khi đầu tư", ông Phúc khẳng định.
Nhận định về xu hướng sắp tới của loại hình bất động sản du lịch tại Ninh Bình trong tương lai, ông Phúc dự báo rằng dòng bất động sản du lịch trung cấp khả năng sẽ phát triển mạnh. Vì đây là loại hình phù hợp mức giá của phần lớn du khách. Dòng bất động sản cao cấp cũng sẽ phát triển song song, tuy nhiên sẽ gặp một vài khó khăn nhất định vì Ninh Bình không phải một vùng đất quá tiềm năng dành cho bất động sản nghỉ dưỡng hạng "sang" giống Phú Quốc hay Quảng Ninh…