Ngoài 3.260km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hoá trải rộng khắp cả nước... thời gian qua, cơ sở vật chất hạ tầng đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Đến nay, nước ta đã có hơn 20.100 cơ sở lưu trú với trên 420.000 phòng, tăng hơn 1,5 lần trong giai đoạn 2011 - 2015.
Đầu tư vào du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư chiến lược, như SunGroup, VinGroup, FLC, Vina Capital,… Nhiều doanh nghiệp du lịch được thế giới bình chọn, vinh danh là khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới.
Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm, như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long...
Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại Việt Nam, như Accor, Marriot, Hyatte, Intercontinental, HG, Four Seasons..., góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của du lịch nước ta.
Việc đầu tư cho hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, theo đánh giá của các chuyên gia đã đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho ngành du lịch và phù hợp với định hướng phát triển theo chiều sâu. Theo đó, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu nghỉ dưỡng có chất lượng tốt.
Tuy nhiên, năm 2016, Việt Nam mới đón 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 26% so với năm 2015). Đây là năm đầu tiên ngành du lịch nước ta đạt được con số kỷ lục trên nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận, như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, với số khách quốc tế từ 15 - 30 triệu lượt/năm.
Biển, rừng, núi đẹp... vì sao không hút khách?
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có điều kiện tự nhiên, biển, rừng, núi, so với những nơi khác không thua kém nhưng tạo sao lại không thu hút được nhiều khách?
Theo ông, có rất nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, như tính chuyên nghiệp trong ngành du lịch, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm..., làm cho khách du lịch nhiều khi không muốn quay lại. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn rất thiếu khu vui chơi, địa điểm mua sắm, dẫn đến du khách không có nhiều trải nghiệm.
“Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mới được ban hành có rất nhiều giải pháp, phát triển hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên ngành du lịch có một nghị quyết từ cấp cao nhất. Trước đó, năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành du lịch đến 2030. Rất nhiều nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra, trong đó có vấn đề đầu tư cho hạ tầng du lịch”, ông Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ, trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch hạn chế, hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là nguồn vốn chủ lực để phát triển hạ tầng du lịch.
“Nguồn vốn thứ hai để phát triển hạ tầng là ODA, nhưng đến nay chưa có nhiều địa phương sử dụng hình thức này. Thứ ba là vốn thông qua phát hành trái phiếu của địa phương. Ngoài ra, còn một kênh hỗ trợ nữa là nguồn vốn từ các ngân hàng”, ông Anh nói.
Sẽ ưu tiên cải thiện hạ tầng, nâng sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
“Quan điểm trọng tâm có tính đột phá trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đó là: Chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Đây là quan điểm định hướng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới, trên cả bình diện quốc gia và từng vùng, từng địa phương”, ông Tuấn cho biết.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để đưa du lịch Việt Nam phát triển trở thành ngành mũi nhọn, trước mắt, ngành du lịch đề xuất cần cải thiện mức độ ưu tiên về nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục nhập cảnh.
“Về dài hạn, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án cụ thể nêu trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Trong đó, ưu tiên cải thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững về môi trường, bảo đảm an ninh và an toàn, vệ sinh và phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ năng lực”, ông Tuấn cho biết.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt, tăng 30,2%. Khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 40,7 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016. |