Đầu tư tư nhân lên ngôi
Tiêu dùng năm 2019 tăng 7,23%, có cải thiện nhẹ so với năm 2018 là 7,17%. Tuy vậy thành tố chính thuộc tiêu dùng cuối cùng lại không ủng hộ cho sự cải thiện này. Chỉ số bán lẻ (đã trừ lạm phát) năm 2019 tăng 9,2%, trong khi 2018 tăng 9,4%. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 cũng giảm xuống 10,2% (2018 là 11.2%). Tích lũy tài sản tiếp tục giảm tốc, cả năm đạt 7,91%, mức thấp nhất nhiều năm.
Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội giảm so với 2018 do cấu thành nhà nước và FDI tăng chậm. Ngược lại, khối tư nhân tăng tới 17,3%, dù có thấp hơn chút ít so với 2018 (18,5%) nhưng vẫn là mức rất cao so với trung bình những năm trước đó.
Đặc biệt, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc trung tâm phân tích SSI, tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân không cùng chiều với xu hướng tăng trưởng tín dụng cho thấy khả năng huy động vốn tốt của khối tư nhân qua thị trường vốn và các kênh huy động khác.
Điều này cũng góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, giúp duy trì ổn định cho hệ thống ngân hàng và ổn định vĩ mô.
Xuất nhập khẩu: Khối tư nhân vẫn là điểm sáng
Xuất khẩu hàng hóa cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của khối trong nước. Năm 2019, xuất khẩu của khối trong nước tăng 17,7%, cao hơn khối FDI là 4,2%.
Do tỷ trọng của khối FDI vẫn rất lớn, chiếm gần 3/4 tổng giá trị xuất khẩu nên tăng trưởng xuất khẩu chung cả năm vẫn giảm xuống 8,1% (năm 2018 là 13,2%).
Xuất siêu hàng hóa của năm 2019 đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, tăng 42%. Trong đó khối FDI xuất siêu 35,8 tỷ USD, tăng 17% (năm 2018 tăng 35%). Khối trong nước nhập siêu 25,9 tỷ USD, tăng 9,7% (năm 2018 tăng 19%).
Khối trong nước thường xuyên nhập siêu (ngược với FDI là xuất siêu) nên tăng trưởng xuất khẩu cao của khối trong nước đã kìm lại đà tăng nhập siêu, từ đó làm tăng tổng xuất siêu ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI chậm lại.
Trong các nhóm hàng hóa xuất khẩu của năm 2019, khối trong nước nổi lên với nhóm hàng công nghiệp như máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử và đặc biệt là điện thoại.
Xuất khẩu điện thoại của khối trong nước năm 2019 tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ. Như vậy sự vươn lên của khối tư nhân đã mang lại kết quả tức thì cho tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và ổn định vĩ mô.
Được biết, dù có những cảnh báo thận trọng với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2020, nhưng nhiều tổ chức tài chính vẫn có niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020.
Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp; sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng để kinh tế phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đề cập, cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Thực tế, những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn Nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn, tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao...
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2019 do WB công bố mới đây cũng đã khẳng định, trong bối cảnh không ít rủi ro trong nước lẫn bên ngoài, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cần được ưu tiên để giảm thiểu rủi ro, bao gồm thông qua cải thiện môi trường kinh doanh và các phương án huy động tài chính dài hạn.