Aa

Đầu tư lãi suất cao: Người mất trắng, kẻ vào tù vì ‘không làm vẫn có ăn’

Thứ Tư, 16/12/2020 - 12:50

Không ít mô hình đầu tư kêu gọi vốn ít, lãi suất cao đã bị bóc mẽ là lừa đảo khiến người tham gia thì mất trắng số tiền bỏ ra. Nhưng vì ham lợi, mô hình lừa đảo này vẫn chiếm dụng tiền từ những người thiếu kinh nghiệm.

Đầu tư lãi suất cao, thiệt hại cũng tương đương

Tháng 9/2019, Công ty Alibaba bị phanh phui về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, công ty này đã lừa hàng nghìn nhà đầu tư bất động sản bằng việc vẽ ra hàng loạt dự án “ma” ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… rồi hứa sẽ mua lại sản phẩm và đưa ra mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn lên tới 28%. Kết quả, hàng nghìn khách hàng đã đến trụ sở công an TP Hồ Chí Minh trình báo về khoản tiền có nguy cơ mất trắng. Trong đó, người bị mất nhiều nhất khoảng 3 tỷ, người ít thì từ 300 triệu - 1 tỷ.

Mất cả gia tài, nhiều người chán nản, bỏ nghề đầu tư bất động sản chuyển qua đi buôn bán tạm kiếm sống qua ngày. Nhiều gia đình khổ sở, vợ chồng lục đục đòi bỏ nhau vì nợ nần chồng chất. Thậm chí có những người rơi vào trầm cảm, không còn tha thiết với cuộc sống vì áp lực tài chính nặng nề.

Địa ốc Alibaba là ví dụ điển hình cho mô hình lừa đảo siêu lợi nhuận

Anh Lê Văn V., một khách hàng từng mua dự án của Alibaba ở Đồng Nai cho biết, 2 vợ chồng anh mới cưới được 1 năm và có 1 bé gái 3 tuổi. Hai vợ chồng được bố mẹ mua cho căn nhà nhỏ ở cạnh một khu công nghiệp để sinh sống, tiện cho việc đi lại làm nghề công nhân.

Vào tháng 5/2018, anh V. nghe bạn bè xôn xao về việc có một công ty bất động sản chào bán các dự án, hứa hẹn về mức lợi nhuận hấp dẫn. Anh V. lên mạng tìm Facebook công ty này thì thấy nhiều clip livestream phát tiền lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi quý. Ham làm giàu, anh V. đi theo bạn bè tham gia các buổi diễn thuyết của công ty và bị lôi vào “ma hồn trận” của những chiêu cam kết sinh lời.

Về nhà, anh V. bàn vợ mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng để vay tiền đi kinh doanh bất động sản. Ba tháng sau đó, anh V. được phía công ty Alibaba trả cam kết lợi nhuận 1 lần nên tiếp tục đầu tư thêm một mảnh khác kế bên. Khi chưa kịp nhận tiền lời lần 2 thì công ty này bị phanh phui về tội lừa đảo. Tổng số tiền mà anh V. đóng cho Alibaba vào khoảng 1,2 tỷ đồng.

Tương tự như trường hợp của anh V., hàng trăm gia đình khác cũng rơi vào cảnh tương tự vì có chồng, con, vợ… đi theo Alibaba. Điều đáng nói là hầu hết khách hàng của Alibaba đều không phải là dân kinh doanh lâu năm mà chủ yếu là dân lao động nghèo. Tin tưởng Alibaba có thể mang lại mức lợi nhuận khủng nên nhiều người sẵn sàng bán nhà, vay mượn khắp nơi… để đổ vào các dự án không có thật.

Thậm chí, nhiều người dù biết rõ Alibaba không phải là nơi uy tín để đầu tư nhưng vẫn đánh liều vay mượn để mua. Họ định bụng sau vài ba lần lấy được tiền lời thì sẽ rút vốn. Do không có kinh nghiệm trong ngành, lại không lường trước rủi ro khi xảy ra chuyện nhiều khách hàng chới với, không tìm được cách để giải quyết nợ nần.

Kẻ chủ mưu "vào khám", nhưng người tham gia thì khó có thể lấy lại được tiền

Đau lòng nhất là vụ việc ngày 22/12/2019, một bệnh nhân (sinh năm 1978, ngụ tại Mễ Cốc, phường 15, quận 8) đã nổ súng tự sát ở bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM cũng là một khách hàng của Alibaba ở Vũng Tàu. Người thân của nạn nhân cho biết, trước đây nạn nhân có kinh doanh bất động sản, từng mua đất của tập đoàn lừa đảo Alibaba và bị lừa mất 3 tỷ.

Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng dưới dạng hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp, Alibaba đã thành công lôi kéo, lừa đảo hơn 6.000 khách hàng, tổng số tiền lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Bỏ tiền ít, lợi nhuận cao - tâm lý mà những kẻ lừa đảo nhắm đến

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính - ngân hàng khẳng định: “Lừa đảo tài chính là đỉnh cao trong các hình thức lừa đảo. Bởi rất khó tìm được bằng chứng, có người bị lừa mà vẫn không biết. Thậm chí đến khi hậu quả xảy ra mà người bị lừa vẫn còn… khen ngợi hết lời những tay lừa đảo siêu hạng!”.

Ông kể: Ông và người bạn được một người tên Hải, xưng là nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, hẹn gặp để giới thiệu về cách kiếm tiền siêu lợi nhuận. Tại cuộc gặp, Hải nói rõ về giá trị từng gói đầu tư cùng tỉ suất sinh lợi đi kèm. Trong đó, gói thấp nhất chỉ có giá trị đầu tư là 300.000 đồng và gói cao nhất là 300 triệu đồng.

Theo đó, nếu đầu tư vào các gói dưới 300 triệu đồng thì nhà đầu tư sẽ nhận được mức lãi suất nhỏ, khoảng vài phần trăm mỗi tháng. Nhưng nếu chấp nhận rót tiền đầu tư vào gói 300 triệu đồng cùng với cam kết sẽ không rút vốn trong suốt quá trình đầu tư thì sau ba năm sẽ được nhận tổng số tiền là… 3.000 tỉ đồng!

Lãi suất cao thường khiến các nhà đầu tư "mờ mắt"

Dễ nhận thấy, với các mô hình lừa đảo đầu tư lợi nhuận cao, nếu đưa ra mức lãi suất vài % hay vài chục % thì không thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó kẻ chủ mưu phải dùng mánh khóe khiến cho người nghe mất cảnh giác, cảm thấy sẵn sàng chấp nhận mất một số tiền nhỏ để được hưởng số tiền vô cùng lớn. Tâm lý siêu lợi nhuận này cũng tương tự như việc người dân mua vé số, hiểu đơn giản: Mua một tờ Vietllot giá chỉ 10.000 đồng, nếu trúng 100 tỉ đồng thì tỉ suất sinh lời cao gấp 10 triệu lần. Dù biết rõ khả năng trúng Vietllot là vô cùng thấp nhưng người mua vẫn nghĩ biết đâu mình sẽ nằm trong số % ít ỏi của những người may mắn trúng thưởng. Như vậy, bỏ 300 triệu đồng ra để trúng 3.000 tỉ đồng thì tỉ suất sinh lời đạt 10.000 lần. Vậy là nhà đầu tư dù biết mình chịu rủi ro nhưng nghĩ biết đâu mình hên!

Tuy nhiên, cùng là đầu tư kiểu hên xui nhưng hai hình thức ăn may này khác nhau ở chỗ Vietllot còn có người trúng nhưng đầu tư theo kiểu này thì không có ai thắng hết. Thực tế chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi đầu tư với cam kết lời khủng thì doanh nghiệp lừa đảo sẽ tuyên bố phá sản hoặc bỏ trốn. Những người tham gia chỉ còn biết ôm đầu chịu khổ vì mất hết tiền đầu tư.

Thực tế cho thấy những trùm lừa đảo họ đều là bậc thầy về PR, marketing và họ luôn “sáng tạo” để mọi người chưa kịp cảnh giác với chiêu lừa đảo cũ đã phải “vui vẻ đón nhận” cách thức lừa đảo mới. Các hình thức này trải dài trên mọi lĩnh vực, từ kinh doanh thông thường, khởi nghiệp, bảo hiểm cho đến chứng khoán, vàng, tiền ảo, bất động sản…

Chính vì vậy những câu chuyện bị lừa ngày càng dài ra và số tiền lừa đảo ngày càng lớn. Điển hình như vụ Công ty Liên kết Việt đã lừa dối, chiếm đoạt gần 2.100 tỉ đồng của gần 68.000 khách hàng. Một trong những thủ đoạn để thuyết phục hàng chục ngàn nhà đầu tư bỏ tiền tham gia kinh doanh đa cấp biến tướng là Liên kết Việt đưa ra những khoản khuyến mãi lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng… hơn 400 triệu đồng. Trường hợp vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ô tô trị giá 1 tỉ đồng hoặc nhà trị giá 1,8 tỉ đồng.

Bên cạnh các mô hình đầu tư lãi suất cao "không làm mà cũng có ăn" đã bị bóc mẽ là lừa đảo, thì tại TP Hồ Chí Minh, bỗng mọc lên một mô hình tương tự lấy tên Blue Diamond Land của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bất động sản Blue Diamond, đưa ra nhiều gói đầu tư với lãi suất lên đến 72%/năm, cấp gấp 8 - 10 lần lãi suất ngân hàng.

Khi công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp con người thực hiện một giao dịch tài chính hàng tỷ đồng chỉ với vài nút bấm thì các hình thức lừa đảo qua môi trường mạng càng phát triển tinh vi hơn. Thế nhưng, dù hình thức lừa đảo tinh vi đến đâu cũng không thể thành công nếu các nhà đầu tư tỉnh táo và tra cứu tìm hiểu thông tin thật kỹ càng trước khi "xuống tiền".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top