Bất động sản công nghiệp “bứt tốc”
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện cả nước có 370 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha. Trong đó, 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh thế cửa khẩu. Các khu công nghiệp này ước tính đã cung cấp khoảng 3,6 triệu việc làm mới.
Chỉ tính riêng quý I/2021, hàng chục dự án khu công nghiệp tại 13 tỉnh và thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn héc ta diện tích đất công nghiệp mới để đáp ứng được nhu cầu đầu tư trong những năm tới.
Vốn giàu tiềm năng phát triển, thời gian qua tại Vĩnh Phúc cũng ghi nhận nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt, đầu tư xây dựng. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 9/18 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký đạt 8.000 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, bất chấp tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có thêm nhiều khu công nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động. Đáng chú ý, thời gian tới, các dự án khu công nghiệp như Sông Lô, Tam Dương 1 và Thái Hoà – Liên Sơn – Liên Hoà, với tổng diện tích lên tới 500ha cũng sẽ được một số doanh nghiệp đầu tư.
Chính vì thế, thị trường bất động sản công nghiệp Vĩnh Phúc luôn được giới đầu tư nhận định là nơi tiềm năng để đầu tư sinh lời. Giới đầu tư chia sẻ, làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp Vĩnh Phúc bởi sự xuất hiện của những tập đoàn lớn trong, ngoài nước như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Piaggio; Sumitomo, Deawoo Bus, Vina Korea, Jahwa Vina, …
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, thực tế quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm và giá đất ở mức cao, vì thế xu hướng dịch chuyển đầu tư về các vùng ven gia tăng mạnh mẽ. Xu hướng này chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế trong đó có thế mạnh về bất động sản công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng như tỉnh Vĩnh Phúc.
Cẩn trọng mắc kẹt trong bài toán thanh khoản
Cùng với sự phát triển của hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thị trường bất động sản công nghiệp tại Vĩnh Phúc những năm gần đây khá sôi động và mức giá tăng. Cụ thể, đất ở gần các khu công nghiệp như Thăng Long Vĩnh Phúc và Khu công nghiệp Bá Thiện (đều thuộc huyện Bình Xuyên); Khu công nghiệp Khai Quang (TP. Vĩnh Yên)... cùng các cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn giữ giá và có đà tăng cao. Thậm chí, có những vị trí giá đất gần các khu công nghiệp mới được triển khai đã tăng cao gấp 2-3 lần so với cách đây vài năm về trước.
Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp tại Vĩnh Phúc đã và đang tạo đà cho các phân khúc bất động sản khác trên thị trường này “cất cánh”. Theo ghi nhận, dòng tiền của các nhà đầu tư sẽ đổ về bất động sản Vĩnh Phúc tập trung ở các phân khúc đất nền, chung cư, nhà ở,...Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn ưu tiên lựa chọn sản phẩm ưa chộng là đất nền bởi tính an toàn và thanh khoản nhanh.
Tuy nhiên, không ít người đầu tư cho rằng, mặc dù sức hút bất động sản công nghiệp Vĩnh Phúc là không thể phủ nhận, nhưng trước khi xuống tiền đầu tư thì cần phải tính toán thật kỹ lưỡng và đúng thời điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp, nhưng không ít nhà đầu tư gạo cội bảo nhau phải chờ đến khi kiểm soát được làn sóng dịch thứ 4 mới có thể đưa ra được đánh giá chính xác.
Bởi thực tế, nếu làn sóng dịch này mà không kiểm soát được sớm, thì bức tranh "sáng" của thị trường bất động sản công nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn, bởi không có nhà đầu tư nước ngoài sang và nguồn cung sẽ dư thừa. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư sẽ bị hụt hơi và khi đó tiến độ thực hiện, việc vận hành các khu công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Và như vậy, thị trường bất động sản công nghiệp cũng khó tránh khỏi tác động, đặc biệt là nhu cầu nhà đất tại các khu vực lân cận hoặc các khu đô thị - dịch vụ khu công nghiệp sẽ sụt giảm. Còn nếu dịch bệnh được kiểm soát thì đương nhiên giá sẽ tăng, bởi một số khu công nghiệp hiện nay đã hết đất trống.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản khuyến cáo, các địa phương cần cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới dự án khu công nghiệp, tránh khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra đối với một số nơi trên cả nước. Ngoài ra, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo khi xuống tiền đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp các tỉnh đang nóng "sốt" hoặc đã bão hòa, đặc biệt tránh chạy theo tâm lý đám đông mà không thể thanh khoản được sản phẩm đã đầu tư.