Aa

Đây là thời điểm cần thiết xây dựng nhà ở theo hướng Xanh

Thứ Hai, 24/07/2017 - 14:11

Phát triển công trình xây dựng và phát triển nhà ở Xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu là mục tiêu, yêu cầu và xu hướng tất yếu của thế giới cũng như Việt Nam. Đây là thời điểm cần thiết, thích hợp và không thể chậm chễ để đưa các chủ trương, định hướng thành việc đầu tư xây dựng các công trình cụ thể.

1. Cùng với sự gia tăng dân số và phát triển công nghiệp mạnh mẽ trên toàn cầu, là sức ép rất lớn lên môi trường hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên ngày càng bị suy thoái và cạn kiệt, năng lượng bị khủng hoảng, gây ra biến đổi khí hậu (BĐKH), đe dọa sự sinh tồn của cả nhân loại.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, thế giới đã nhận ra môi trường toàn cầu bị hủy hoại nghiêm trọng do chính các hoạt động của con người. Tăng trưởng Xanh, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là vấn đề chung và được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều hội nghị cấp cao, quy mô toàn cầu được tổ chức để các nước trên thế giới chung tay giải quyết.

Liên Hiệp Quốc đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất đầu tiên về “Môi trường và Con người”, ngày 5 tháng 6 năm 1972 tại Stockholm, Thụy Điển. Sau 20 năm, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển” tại Rio de Janeiro, Brazin, năm 1992. Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới Rio + 10 về “Phát triển Bền vững” ở Johannesburg, Nam Phi, năm 2002, với cam kết thực hiện “Phát triển bền vững (PTBV)”. Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Rio + 20 tại Rio de Janeiro, Brazin, năm 2012, đã bàn về “Tăng trưởng kinh tế Xanh” để đảm bảo PTBV. Vì vậy từ năm 1992 phát triển bền vững và nay là tăng trưởng kinh tế Xanh đã trở mục tiêu quan trọng của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Từ năm 1992, phát triển bền vững và nay là tăng trưởng kinh tế xanh đã trở mục tiêu quan trọng của tất cả các nước trên thế giới.

Từ năm 1992, phát triển bền vững và nay là tăng trưởng kinh tế Xanh đã trở mục tiêu quan trọng của tất cả các nước trên thế giới.

2. Cùng với nhận thức chung của các nước trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước sớm thực hiện phát triển kinh tế gắn với BVMT, nhất là sau khi Định hướng Chiến lược Phát triển Bền vững (Chương trình Nghị sự 21) của Việt  Nam được ban hành theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong sự hài hòa ba lĩnh vực: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó có đóng góp đáng kể của ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, công cuộc thực hiện phát triển kinh tế theo mục tiêu, định hướng Xanh và bền vững của nước ta còn có rất nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam là nước đang phát triển và trong thời kỳ đầu của đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; do vậy, luôn phải đối đầu, giải quyết mâu thuẫn của yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà ở với mục tiêu giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, thực tế cho thấy tác động của BĐKH đối với nước ta ngày càng hiện hữu, phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) còn chưa bền vững.

3. Theo thống kê, ngành xây dựng, đặc biệt là phát triển xây dựng đô thị, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có thể tiêu thụ tới 70% vật liệu tự nhiên và 40% năng lượng quốc gia, tiêu thụ khoảng 30% nguồn nước sạch phục vụ phát triển KT-XH. Cùng với đó là việc gây ra ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn, sản sinh ra “khí nhà kính” gây ra BĐKH. Trong đó, nhà ở chiếm khoảng 70% các công trình xây dựng trong đô thị, chiếm trên 50% thời gian sinh hoạt, sử dụng tiêu hao năng lượng của người dân. Vì vậy, ngành xây dựng nói chung và việc đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhà ở đóng vai trò không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực, cố gắng hướng tới mục tiêu tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, ngày 3/9/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP về việc “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, trong đó đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2006/QĐ-CP về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Xây dựng được giao chủ trì thực hiện nội dung “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa trong toà nhà”. Gần đây nhất, ngày 25/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu và giải pháp hướng tới phát triển nhà ở bền vững, cụ thể như sau:

Về quan điểm của Chiến lược có nêu: "Phát triển nhà ở phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường; đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, sử dụng tiết kiệm năng lượng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành."

Về giải pháp khoa học, công nghệ có nêu: "Triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng nhà ở nhằm tăng tỷ trọng sản xuất trong công xưởng, rút ngắn thời gian và giảm nhân công xây dựng trực tiếp ngoài công trường, giảm giá thành xây dựng; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, vật liệu tái chế; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng nhà ở sinh thái, nhà ở tiết kiệm năng lượng;

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng trong thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng nhà ở, bảo đảm các công trình nhà ở, kể cả các nhà ở do dân tự xây đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn trong sử dụng, có khả năng ứng phó với thiên tai, động đất, biến đổi khí hậu;

- Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển và sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo trong các công trình nhà ở tại khu vực đô thị và nông thôn."

Chính phủ cần những chính sách hỗ trợ phát triển Công trình Xanh

Chính phủ cần những chính sách hỗ trợ phát triển Công trình Xanh

4. Các Nghị định, Quyết định nêu trên là rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, chúng ta cũng đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo trong ngành để các chủ thể liên quan có quan điểm, nhận thức, đánh giá chung về phát triển Công trình Xanh:

- Công trình Xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giai đoạn sử dụng, vận hành, cho đến giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được hiệu quả cao và tiết kiệm sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu và giảm thiểu các tác động xấu đến sức khỏe của con người và môi trường xung quanh, sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.

Phát triển công trình xây dựng Xanh cũng là sự cam kết thực hiện PTBV có hiệu quả nhất của ngành xây dựng đối với sự nghiệp PTBV của quốc gia. Phát triển công trình xây dựng Xanh là hoạt động rất quan trọng nhằm thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh; đồng thời mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho bản thân chủ đầu tư công trình, cũng như cho xã hội, như là:

– Tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng, giảm thiểu phát thải “khí nhà kính”, gây BĐKH, mà đỉnh cao nhất đạt được là công trình “Zero” năng lượng, tức là năng lượng do công trình tự sản sinh ra cân bằng với năng lượng tiêu thụ của công trình;

– Tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước sạch, tái sử dụng nước thải, thu gom và sử dụng nước mưa, giảm thiểu úng ngập mùa mưa, dự trữ nước cho mùa hạn hán;

– Tiết kiệm vật liệu xây dựng và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường;

– Nâng cao chất lượng môi trường sống trong công trình, tăng cường sức khỏe và hiệu suất lao động của người sử dụng;

– Giảm thiểu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường;

– Bảo đảm các hệ sinh thái khu vực xây dựng công trình phát triển tự nhiên;

– Công trình được thiết kế và xây dựng phù hợp với điều kiện thiên nhiên nên có tính bền vững lâu dài hơn;

– Chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng công trình nhỏ hơn rất nhiều so với công trình được thiết kế xây dựng thông thường;

– Giá đầu tư xây dựng Công trình Xanh có thể ít hơn hoặc nhiều hơn từ 5 – 10% tùy theo công trình cụ thể so với công trình thông thường, nhưng nói chung chi phí vận hành thấp hơn, nên tổng chi phí đầu tư và chi phí sử dụng công trình Xanh về lâu dài luôn luôn nhỏ hơn so với công trình thông thường.

Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước có chủ trương, định hướng, mục tiêu cũng như nhận thức sớm và đúng đắn về tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững. Tuy vậy, cho đến nay ở nước ta phát triển công trình xây dựng Xanh đang ở giai đoạn ban đầu, và vẫn chậm trễ khoảng 15 năm so với nhiều nước trên Thế giới.

5. Ông Richard Fedrizi – Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC), năm 1999 đã viết: “Cuộc cách mạng Công trình Xanh đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Nó đang làm biến đổi thị trường nhà đất, nhà ở và lối sống của cộng đồng. Nó là một phần của cuộc cách mạng Phát triển Bền vững rộng lớn, có thể biến đổi mọi thứ chúng ta đã biết. Cuộc cách mạng này làm thay đổi môi trường xây dựng bằng cách tạo ra hiệu quả sử dụng năng lượng, sức khỏe, các công trình hữu ích để giảm thiểu tác động đáng kể của công trình đối với cuộc sống đô thị, môi trường địa phương, khu vực và toàn cầu”.

Tựu chung lại, phát triển công trình xây dựng và phát triển nhà ở Xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu là mục tiêu, yêu cầu và xu hướng tất yếu của thế giới cũng như Việt Nam. Đây là thời điểm cần thiết, thích hợp và không thể chậm chễ để đưa các chủ trương, định hướng thành việc đầu tư xây dựng các công trình cụ thể. "Chương trình phát triển Công trình Xanh" do Hiệp hội BĐS Việt Nam phát động, tổ chức hết sức thiết thực nhằm quy tụ và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư tiên phong cam kết, xây dựng nên các Công trình Xanh, tiết kiệm năng lượng.

Để phát triển công trình, nhà ở Xanh, tiết kiệm năng lượng cần có sự tham gia, phối hợp từ nhiều phía.

Trước hết là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng, đặc biệt là Bộ Xây dựng, đó là: cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hoặc quy định trách nhiệm về phát triển công trình Xanh, tiết kiệm năng lượng; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về Công trình Xanh, tiết kiệm năng lượng.

Hai là, các Hội, Hiệp hội cụ thể như Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tổng hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư với vai trò quy tụ các doanh nghiệp, các nhân hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, BĐS trên cả nước; tổ chức để phổ biến, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức, chuyên môn…; xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, công nhận công trình Xanh, tiết kiệm năng lượng.

Ba là, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp chủ đầu tư, các nhà thiết kế, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, có vai trò quyết định việc hình thành nên Công trình Xanh, tiết kiệm năng lượng; cần chủ động tiếp cận, làm chủ công nghệ; nhận thức đầy đủ lợi ích cá nhân - cộng đồng trong đầu tư xây dựng Công trình Xanh, tiết kiệm năng lượng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top