Aa

Dậy mà đi!

Thứ Sáu, 11/09/2020 - 07:00

Nếu người đàn ông có khát vọng sống thì sau những thất bại, anh ta sẽ biết cách để lái cuộc đời mình theo đúng quỹ đạo của thành công.

Dậy mà đi, dậy mà đi

Ai chiến thắng không hề chiến bại…

Tôi mượn ca từ bài hát nổi tiếng này để nói về sự gượng dậy sau những gục ngã của những người đàn ông. Có thể cái sự “mượn” lộ liễu này là khiên cưỡng, nhưng quả thật trong đời người, ai chả có vấp váp sai lầm cả trong tình yêu, hôn nhân, sự nghiệp, nhưng đáng nói là hành xử sau đó: Sự gượng dậy.

Cách đây hai chục năm, nhóm chúng tôi làm bộ phim truyền hình dài tập Đường đời lấy chất liệu từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà báo Hoàng Dự. Nội dung câu chuyện về một nhân vật có thật là lương y Nguyễn Hữu Khai. Ở thời điểm đó vị lương y này thật sự là một tấm gương về sự lập nghiệp. Chi tiết hơn là sự gượng dậy mạnh mẽ sau vấp váp, sai lầm, trả giá. Lương y Nguyễn Hữu Khai có khởi đầu cuộc đời khá lận đận. Anh bị bắt giam vì một lầm lỗi không cố ý. Ba năm trong tù đã dạy cho Nguyễn Hữu Khai nhiều bài học quý giá. Anh học được nghề thuốc và rèn luyện võ thuật. Ra tù, Nguyễn Hữu Khai làm thuốc và đi bán dạo trong một gánh thuốc kiểu Sơn đông mãi võ. Rồi anh lập xưởng sản xuất thuốc. Thương hiệu “Bảo Long” ra đời từ những ngày tháng lận đận đó.

Tập đoàn Y dược Bảo Long là một tên tuổi trong ngành thuốc. Nguyễn Hữu Khai thậm chí lập ra được cả bệnh viện Bảo Long, là một nơi chế tác, sản xuất thuốc có uy tín được nhiều người tin dùng. Phim “Đường đời” công chiếu và giành được thiện cảm của khán giả truyền hình. Rõ ràng đây là một tấm gương đáng để mọi người học tập từ sự vấp ngã để gượng dậy làm lại cuộc đời. 

Ngay cả trong hôn nhân, tình yêu, người võ sư thầy thuốc này cũng khá lận đận, có đến vài cuộc hôn nhân. Tôi không dám chắc ở lĩnh vực này, Nguyễn Hữu Khai có hạnh phúc hay không, nhưng ở mặt sự nghiệp thì rõ ràng anh thành công rực rỡ bằng ý chí, bằng sự nỗ lực, dám nghĩ dám làm. Phim Đường đời dừng ở đỉnh cao của người thầy thuốc khi anh có trong tay một tập đoàn y dược hùng mạnh.

Chỉ tiếc, đoạn đời sau của lương y Nguyễn Hữu Khai lại bị lặp chu trình tương tự như thuở ban đầu. Anh vướng vào một vụ kiện tụng sở hữu cổ đông và một lần nữa lại vướng vòng lao lý. Ra tù, Nguyễn Hữu Khai tay trắng và ở tuổi lục tuần anh quyết tâm gượng dậy làm lại từ đầu để khôi phục thương hiệu đã làm nên tên tuổi của anh. Nhưng lần này số phận đã không cho anh thời gian để mỉm cười chiến thắng. Căn bệnh ung thư đã quật ngã, dập tắt hoài bão của vị lương y kiên cường. 

Không bàn những khía cạnh khác, tôi tin nếu không bị căn bệnh hiểm nghèo sinh sự, chắc chắn Nguyễn Hữu Khai sẽ tái dựng được sự nghiệp. Nếu có một phim “Đường đời” phần hai thì đó sẽ là những thước phim sinh động về ý chí con người gượng dậy chống lại số phận. Dẫu sao những gì tôi biết về lương y Nguyễn Hữu Khai, dù kết cục cuộc đời anh có phần bi thảm, nhưng anh luôn là tấm gương cho tôi noi theo học hỏi về ý chí và nghị lực sống mãnh liệt, biết gượng dậy khi gục ngã.

Đường đời 1

Trong cuộc đời luôn có những sự vấp ngã không thể tránh. Một người đàn ông không may mắn trong hôn nhân có thể tan vỡ gia đình vì những sai lầm bản thân. Tôi biết không ít những người đàn ông ở trong tình cảnh này. Đa số họ đều biết gượng dậy, đứng lên làm lại. Đa sầu đa cảm, than thân trách phận chẳng giúp ích được gì trong những cảnh huống ấy. Kỳ lạ ở hôn nhân kế tiếp, có thể người đàn ông rút ra được kinh nghiệm và thường tìm thấy lại được hạnh phúc cho mình.

Với sự nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật. Nếu người đàn ông có khát vọng sống thì sau những thất bại, anh ta sẽ biết cách để lái cuộc đời mình theo đúng quỹ đạo của thành công. Cá biệt, tôi biết có một tù hình sự, sau thời gian thụ án, anh đã làm một việc chưa từng là viết văn. Anh viết về chính cuộc đời mình với những lầm lỡ, phạm tội, được rút ra thành bài học sống. Cuốn sách được đón nhận và nghiễm nhiên từ một người mang thân phận đầy mặc cảm tội lỗi, anh đã gượng đứng lên và rất có thể, sẽ trở thành nhà văn trong tương lai. Theo tôi, điều ấy không quan trọng bằng sự hoàn lương một cách rất dũng cảm khi anh bóc tách chính con người mình tãi ra những con chữ. Tôi biết từ bài học của anh sẽ có không ít người nhận được những kinh nghiệm quý báu để tránh được vấp ngã.

Còn có rất nhiều những thí dụ đa chiều xung quanh đời sống mỗi người chúng ta. Nói về đàn ông không phải tất cả đều biết “dậy mà đi”. Sự gục ngã đôi khi cướp luôn cuộc sống của những người sợ hãi, thiếu nghị lực. Nhưng số đó không nhiều. Với số này, cuộc sống bản thân bị chính họ hủy hoại một cách thật đáng thương.

“Dậy mà đi” mỗi khi gặp một trở ngại hoặc tai nạn, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng, tôi có thói quen thầm thì câu hát này. Có thể những người đàn ông khác cũng giống như tôi như thế để tìm ra phương cách sửa chữa và dấn bước tiếp trên đường đời.

Đấy liệu có phải chính là phẩm chất quý giá của đàn ông đích thực? Vâng, đàn ông đích thực. Tại sao lại không tự sướng như thế chứ phải không các bạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top