Aa

Đôi điều về khoảng cách

Thứ Sáu, 04/09/2020 - 07:00

Thời hiện đại, khoảng cách tình yêu hiếm khi xảy ra nhưng cũng không loại trừ. Một đôi thanh niên yêu nhau từ dạo trường phổ thông. Rồi mỗi người mỗi ngả khi kết thúc năm học cuối. Người ra nước ngoài học, người ở lại...

Là nói khoảng cách của tình cảm đôi lứa. Một tình yêu, dài hơn là đời người chồng vợ dằng dặc tháng năm. Tôi muốn nói đến khoảng cách phụ thuộc vào từng hoàn cảnh mà đôi lứa phải xa nhau. Điều gì sẽ đến?

Trước hết là khoảng cách của tình yêu. Khi người ta yêu nhau, khoảng cách là một yếu tố cần và đủ. Dám khẳng định thế, bởi những gì tôi trải qua và chiêm nghiệm trong suốt cuộc đời. Một đôi trai gái dạo chiến tranh yêu nhau nhưng chưa kịp làm đám cưới thì chàng trai nhập ngũ. Biền biệt tháng năm với sự xa cách không hạn định. Một khoảng cách khá lớn. Thường trong những trường hợp này, người đi xa sẽ chủ động quyết định. 

Đa phần là muốn giải phóng người mình yêu, hãy đi tìm một tình yêu khác bởi chiến tranh kéo dài không thể đoán định. Kết cục cũng thường là như thế nhưng không hiếm trường hợp người phụ nữ một lòng son sắt đợi chờ người mình yêu. Đã có người chờ đợi suốt cuộc đời vì người mình yêu mãi mãi không thể trở về. Văn học đã đề cập nhiều đến những cảnh huống đợi chờ của tình yêu chiến tranh này. Những câu chuyện cảm động...

Thời hiện đại, khoảng cách tình yêu hiếm khi xảy ra nhưng cũng không loại trừ. Một đôi thanh niên yêu nhau từ dạo trường phổ thông. Rồi mỗi người mỗi ngả khi kết thúc năm học cuối. Người ra nước ngoài học, người ở lại. Tình yêu đa phần sẽ được cất vào ngăn ký ức thuộc về những gì tươi đẹp của tuổi học trò. 

Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp. Có rất ít tình yêu đầu tiên đơm hoa kết trái nếu có khoảng cách chen vào. Khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian bao giờ cũng là vật cản nặng ký dù thời hiện đại thông tin liên lạc thuận tiện.

Tình yêu là như thế, còn hôn nhân thì sao? Dạo chiến tranh những cặp chồng vợ luôn phải chấp nhận sự thiêt thòi xa cách. Đằng đẵng người vợ nuôi con chờ chồng. Từng là một người lính, tôi thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng này. Những làng quê vắng bóng đàn ông, chỉ có người già, trẻ con và phụ nữ. Sự son sắt thủy chung là điều người phụ nữ thời này khắc dấu. Họ đã sống một đời như thế. Có người vợ chờ chồng cả cuộc chiến tranh.

Nhưng cũng có những trường hợp không vượt qua được hoàn cảnh khắc nghiệt. Đơn vị tôi có một anh là chính trị viên đại đội. Anh sống tốt, dũng cảm trong chiến đấu, hạnh phúc với người vợ cùng hai đứa con. Rồi một dạo thấy anh buồn bã, trầm uất. Nghỉ phép trước dịp đơn vị đi B chiến đấu, anh cũng không về nhà mà tình nguyện ở lại đơn vị trực chiến. 

Mãi sau mọi người mới biết, vợ anh ở nhà không may lầm lỡ sinh thêm một người con trai. Anh buồn vì thế. Điều kiện chiến tranh và cũng thương con nên anh chấp nhận hoàn cảnh ấy. Vào chiến trường anh vẫn thư từ bình thường, chỉ không nhắc đến lầm lỡ của vợ. Hòa bình, anh phục viên về nhà. 

Vợ chồng anh sống chung một mái nhà, tôi biết anh không quên được vết thương lòng kia. Nhưng anh chấp nhận đứa con riêng của vợ, yêu thương như con đẻ. Không may chị vợ mắc bệnh mất sớm. Anh cặm cụi gà trống nuôi con, không đi bước nữa. Nỗi đau của chiến tranh hằn suốt cuộc đời anh.

Khoảng cách là như vậy, nó có thể khiến người phụ nữ thành anh hùng và cũng có thể gây ra buồn đau như trường hợp vợ chồng người thủ trưởng cũ của tôi. Rất thương anh nhưng cánh lính chúng tôi bất lực trước vết thương lòng của anh. Không một thứ thuốc nào có thể làm anh dịu đi nỗi đau. Khuyên anh lấy vợ cho đỡ cô đơn nhưng anh lắc đầu. Anh vẫn thương chị, người đàn bà lầm lỡ.

Giờ đây chiến tranh đã hết nhưng cuộc chiến mưu sinh vẫn tạo ra những khoảng cách lớn cho không ít trường hợp. Mới nhất, tôi đi thực tế ở một làng quê miền Trung. Đây là một làng quê có rất đông người đi lao động ở nước ngoài. Ngôi làng có những căn nhà lớn tòa ngang dãy dọc và cao tầng. Cũng hệt như dạo chiến tranh, ở làng chỉ có phụ nữ, trẻ con và người già. 

Tôi gặp một phụ nữ tầm hơn bốn mươi tuổi. Chồng và con trai chị đều ở nước ngoài. Hỏi ra mới biết chị đã xa chồng 15 năm. Một lựa chọn mưu sinh khắc nghiệt và không thể không nói đấy chính là sự hy sinh không nhỏ. 15 năm với một đời người phụ nữ xa chồng thì đích thị đó là cả một đánh đổi lớn. Biết làm sao được khi đó là cuộc sống. Người ta cần phải thay đổi, xóa đi sự đói nghèo, cho dù phải trả một cái giá quá đắt.

Nói đến trả giá không thể không nhắc đến những trường hợp đau lòng. Vợ đi nước ngoài, gửi tiền về cho chồng nuôi con. Người chồng bê tha trà rượu và quan hệ với người phụ nữ khác. Khi trở về người vợ vừa mất chồng vừa tay trắng. Thành quả mấy năm lao động đã thành nước chảy ra sông.

Khoảng cách đấy, nó có thể là sự hy sinh để tạo dựng nhà cửa, hạnh phúc nhưng nếu không may thì đấy lại là mầm họa cho những bi kịch đời người. Âu cũng là quy luật của sinh tồn và đó chính là một mặt thật của cuộc sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top