Aa

Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40 nghìn tỷ đồng

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Bảy, 01/04/2023 - 05:46

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Ngân hàng Nhà nuớc (NHNN) yêu cầu các đơn vị tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Các đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại; trong quá trình triển khai, kịp thời nắm bắt các thông tin, phản ánh, khó khăn, vướng mắc từ khách hàng, các hiệp hội, các cơ quan… để kịp thời xử lý, tháo gỡ, báo cáo NHNN, các bộ,ngành về khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu phải tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh của TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, tích cực phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về chính sách; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách.

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn, kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Tại văn bản này, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Công văn số 6221/NHNN-TD ngày 6/9/2022 về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và tại các Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất của ngành Ngân hàng. ​​​​

Tại Tọa đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh” ngày 30/3/2023, một số doanh nghiệp tiếp tục nêu ra những khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Thường trực NHNN - ông Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ, tháo gỡ những nút thắt vướng mắc để khơi thông dòng vốn tín dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Lãi suất là chính sách khó khăn nhất trong điều hành vĩ mô, làm sao để hài hoà lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với từng lĩnh vực là vấn đề luôn được đặt ra. NHNN vẫn đang hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, bên cạnh đó còn duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại nợ đối với khách hàng tương tự như chính sách đã triển khai trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19 các năm 2021-2022. Tuy nhiên, thời hạn cơ cấu như thế nào, các ngành nghề, doanh nghiệp nào sẽ được ưu đãi cơ cấu nợ, thời điểm cơ cấu nợ cụ thể như thế nào, sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cân đối các mục tiêu vĩ mô của chính sách tiền tệ, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn của các tổ chức tín dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top