Hiện nay, với chính sách mở rộng tài chính toàn diện hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, các tổ chức tín dụng, (các NHTM, các công ty tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô), dự án tài chính vi mô đã được tạo điều kiện mở rộng hệ thống về những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay chính thống, hợp pháp và an toàn để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người dân vùng nông thôn “khát” vốn
Chị Hoàng Thị T., cư trú tại huyện Châu Thành cho biết, sau khi xưởng may cũ tạm đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid 19, chị đã tìm được công việc mới tại xưởng may gia công cách nhà 10km. Để tiện di chuyển, chị quyết định mua chiếc xe máy trả góp tại công ty tài chính có trị giá hơn 20 triệu đồng, nhưng chỉ trả trước 5 triệu đồng cho cửa hàng. Số tiền còn lại, mỗi tháng chị sẽ trích khoảng 1,2 triệu đồng từ tiền lương để trả nợ. Thủ tục cho vay nhanh gọn nên ngay trong buổi sáng chị được công ty tài chính giải ngân, được cửa hàng hỗ trợ mang xe đi đăng ký.
Trên thực tế, câu chuyện của chị T. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân đã và đang được hưởng ưu đãi từ nguồn vốn vay tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều mà trước đây, khi có nhu cầu vốn, họ chỉ có thể vay mượn từ người thân, bạn bè, hoặc vay nóng “tín dụng đen” với lãi suất lên tới 300 – 400%/năm.
Có thể nói, nhu cầu về vốn của người dân (không có TSTC), đặc biệt là những người thu nhập thấp đang sinh sống tại các vùng nông thôn vô cùng lớn. Theo thống kê, hơn 70% dân số sống tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng rất hạn chế. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng với đối với khu vực này chưa đạt đến 25%. Đó là lý do vì sao Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng chi nhánh giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Với sự hiện diện của ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân nhân, các công ty tài chính, Tổ chức tài chính vi mô, dự án tài chính vi mô, người dân đã được tiếp cận nguồn vốn vay chính thống với các dịch vụ cho vay tiêu dùng đa dạng như: cho vay trả góp mua xe máy, sản phẩm điện máy, vay tiền mặt cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như: đóng học phí, du lịch, cưới hỏi, sửa chữa nhà cửa, trang trải chi phí sinh hoạt gia đình hoặc cho các dịp đặc biệt, ngoài ra các công ty tài chính còn có dịch mụ mở thẻ tín dụng, cho vay mua bảo hiểm…Điển hình như sự hợp tác của FE Credit và tổng công ty Bưu điện Việt Nam với hệ thống hơn 10.000 bưu cục/ điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước để kịp thời hỗ trợ vốn cho người dân.
Nhận xét về những lợi ích mà tài chính tiêu dùng đã mang lại, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu quản lý tốt tài chính, người dân sẽ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, hỗ trợ hoạt động tái sản xuất kinh doanh.
Để vốn vay tiêu dùng phát huy hiệu quả tối đa
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ, NHNN, các quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mộ, dự án tài chính vi mô cần có các biện pháp về đào tạo và phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức tài chính của người dân,… giúp họ nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng tài chính, xây dựng kỹ năng tự quản lý thu nhập, hướng dẫn cách chi tiêu, cách tiết kiệm, cách quản lý tiền để từ đó đảm bảo khả năng thanh toán nhằm hạn chế những rủi ro khi vay tiêu dùng.
Đặc biệt, người dân cần nắm vững một số nguyên tắc để có thể vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, giúp trả nợ đúng hạn, không vướng vào vòng xoáy nợ nần như:
Thứ nhất, hãy đọc kỹ hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng viện chiến lược Ngân hàng nhà nước hướng dẫn: “Người vay cần lưu ý 6 điểm then chốt của hợp đồng đó là: (1) Số tiền vay và cách thức giải ngân; (2) Số tiền trả góp hàng tháng; (3)Mức lãi suất tiền vay; (4) Phương thức tính toán thu tiền lãi của công ty tài chính,….; (5)Mức phí phạt chậm trả; (6)Mức phí phải trả khi tất toán hợp đồng vay trước thời hạn. Càng suy nghĩ kỹ, người tiêu dùng sẽ càng có quyết định sáng suốt.
Thứ hai, nên vay trong khả năng có thể chi trả. Người đi vay cần cân nhắc khả năng tài chính, xác định chính xác con số muốn vay để đảm bảo thanh toán tiền lãi và gốc, không nên vay tiền mới để trả nợ cũ, hay cùng lúc có nhiều khoản vay tại nhiều tổ chức tín dụng, khiến việc vay mượn vượt quá khả năng trả.
Thứ ba, cân đối chi tiêu để có tiền trả nợ. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, người đi vay nên tính toán khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hàng tháng để không bị ảnh hưởng tới cuộc sống.
“Người vay tiền nên có ý thức thực hiện đúng cam kết, trích phần thu nhập vào tài khoản trả nợ ngân hàng, chứ không thể tuỳ hứng tiêu pha lung tung để đảm bảo mình vay và trả nợ đúng hạn”. Việc trả nợ đúng hạn sẽ cũng là cách để lãi suất cho vay tiêu dùng dần thấp hơn với người vay trong những lần vay sau, TS. Lực nhấn mạnh.