Aa

Thanh Hóa: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

Thứ Sáu, 11/11/2022 - 17:15

Thời gian vừa qua, việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh Thanh Hóa.

Theo tổng hợp của Sở Công Thương Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 39 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích gần 1.500ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 10.125,4 tỷ đồng. Trong số đó có 5 cụm cơ bản hoàn thành hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Các cụm công nghiệp còn lại đang làm thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng.

Tại thành phố Thanh Hóa có 3 khu công nghiệp lớn, gồm: Khu công nghiệp Lễ Môn, Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, Khu công nghiệp Hoàng Long. Trong đó các khu công nghiệp này đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%.

KHU CÔNG NGHIỆP LỄ MÔN
Khu công nghiệp Lễ Môn (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại huyện Hoằng Hóa thời gian qua có thêm nhiều cụm công nghiệp được thành lập, như cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa được thành lập theo Quyết định số 1085/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa. Cụm công nghiệp nằm trên địa phận 2 xã Hoằng Kim và Hoằng Phú, có diện tích quy hoạch 50 ha, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thanh Hóa làm chủ đầu tư hạ tầng, tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng. Hiện cụm công nghiệp này đã thu hút được 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 200 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Tại huyện Triệu Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định số 4269/QĐ-UBND về việc thành lập cụm công nghiệp liên xã Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, với diện tích khoảng 50ha, tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng. Cụm công nghiệp được cơ cấu các ngành nghề, như may mặc, cơ khí, chế tạo, sản xuất các sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, chế biến lâm - nông sản, sản phẩm nhựa, thức ăn gia súc, gia cầm... và các ngành nghề khác có liên quan.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành và Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Tổng mức đầu tư Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà khoảng 189 tỷ đồng. Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành có diện tích sử dụng đất khoảng 68,74ha. Ngành nghề hoạt động trong cụm công nghiệp là phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng; điện tử; cơ khí; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; may mặc, da giày; chế biến nông, lâm sản. Tổng mức đầu tư xây dựng cụm công nghiệp này khoảng 490 tỷ đồng.

Mặc dù có được sự quan tâm của UBND tỉnh Thanh Hóa nhưng hạ tầng ở các cụm công nghiệp về cơ bản đang thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khu vực dân cư cận kề.

Tại hội nghị giao ban tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh vai trò của việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp là cơ sở quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đến thuê đất, đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Ông Liêm thẳng thắn chỉ rõ một số dự án chậm triển khai, nhà đầu tư không quyết tâm thực hiện, yêu cầu địa phương rà soát, báo cáo để thu hồi đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chủ đầu tư các cụm công nghiệp cần tích cực phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các địa phương trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án được giao, rút ngắn tối đa thời gian, sớm đưa cụm công nghiệp đi vào hoạt động./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top