Aa

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gỡ nút thắt cho nền kinh tế

Chủ Nhật, 02/07/2023 - 05:11

Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thống kê (TCTK) đề xuất Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công...

“Chỉ cần một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, làm giảm động lực tăng trưởng”, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK, bà Phí Hương Nga nhấn mạnh.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân nguồn vốn ODA

Nguyên nhân của tình trạng “có tiền không tiêu được” vẫn là vướng thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng... kéo dài từ rất nhiều năm nay.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) của các Bộ, ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Hiện nay mới chỉ có 5/11 Bộ, ngành có giải ngân, gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông Vận tải (30,97), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (30,56%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%).

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm của các địa phương vẫn thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao. Đặc biệt mới có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%; 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

“Các vướng mắc chủ yếu của các địa phương liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư. Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các triển khai dự án chậm, chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó là nhóm vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; về giải phóng mặt bằng; điều chỉnh thiết kế; biến động giá nguyên vật liệu, khó huy động nhân công... ”, ông Trương Hùng Long cho biết.

Đại diện đơn vị triển khai, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: Năm 2023, tổng số vốn bao gồm cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài được giao của Bộ là hơn 94.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ đã giải ngân được hơn 36%, trong đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài là 30,97%.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra kế hoạch trong quý III/2023 sẽ giải ngân thêm tổng số vốn gần 21.700 tỷ đồng, bao gồm hơn 20.800 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2023 và hơn 855 tỷ đồng thuộc nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện.

“Với quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cả năm là 95%, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân; kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án còn khối lượng giải ngân lớn, đặc biệt trong giải ngân vốn giải phóng mặt bằng, để giải ngân thêm tối đa nguồn vốn đã được giao”, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định thiết kế để đảm bảo tiến độ thẩm định thiết kế của các dự án. 

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với rất nhiều các giải pháp cụ thể.

Phía Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; tiếp tục triển khai các đoàn đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân, hoàn chứng từ, thanh quyết toán với các chủ dự án.

Các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.

Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản nhờ giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản nhờ giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Cần tăng sức cầu của nền kinh tế

Theo Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tiếp tục được duy trì với mức tăng 3,72%, trong đó quý I/2023 tăng 3,28%; quý II/2023 tăng 4,14%.

Kinh tế quý II/2023 tăng trưởng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý I cho thấy rõ nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả, trong đó sự quyết tâm của các Bộ ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm...

Khối lượng thực hiện đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 232,2 nghìn tỷ là rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các Bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình ngay từ các tháng đầu năm. Đặc biệt là từ quý II nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2023, tạo đà tích cực rõ nét cho các quý tiếp theo trong năm 2023.

Theo bà Phí Hương Nga - Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (TCTK), để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở các lĩnh vực gồm: Đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... Bởi chỉ một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

"Lãnh đạo Bộ ngành, UBND tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; cần đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền”, đại diện TCTK cho biết.

Bên cạnh đó, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu cũng sẽ là giải pháp thiết thực trong việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo bà Phí Hương Nga, các Bộ, ngành, địa phương cần có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gậy khó khăn, cản trợ, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2023.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính), đầu tư công là một trong những trụ cột để thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng nhưng từ nhiều năm qua, tốc độ giải ngân vốn vẫn rất chậm. Nguyên nhân do công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị tại địa phương chưa tốt trong việc xác minh nguồn gốc đất, thẩm tra hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của hộ dân, phối hợp tham mưu UBND địa phương để xử lý các vướng mắc phát sinh… dẫn đến chậm trễ trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

“Công tác tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa kịp thời. Đơn giá bồi thường đất đai chưa sát thực tế, khiến dự án chậm triển khai; giá cả vật liệu xây dựng “leo thang”; việc lập kế hoạch giải ngân của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chưa sát thực tế. Tình trạng ‘vốn chờ dự án’, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần làm mất rất nhiều thời gian”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh trăn trở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top