Aa

Khánh Hòa tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Sáu, 30/06/2023 - 10:09

Tính đến ngày 20/6, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 của tỉnh đạt 19%, ước tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 28,9% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; ước đạt 39,6% so với kế hoạch vốn thực tế do tỉnh giao.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Khánh Hoà là hơn 7.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 6, tỉnh đã phân bổ gần 4.807 tỷ đồng (chiếm 68,5%); số còn lại chưa phân bổ hơn 2.207 tỷ đồng (chiếm 31,5%). Tính đến ngày 20/6, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 của tỉnh đạt 19%, ước tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 28,9% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; ước đạt 39,6% so với kế hoạch vốn thực tế do tỉnh giao.

Qua rà soát, toàn tỉnh vẫn còn 18 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh, trong đó có một số đơn vị chưa giải ngân được vốn. Đặc biệt, các dự án có số vốn lớn gặp rất nhiều khó khăn trong giải ngân. Trong số 14 dự án được giao kế hoạch vốn lớn thì có đến 12 dự án chậm giải ngân. Nguyên nhân chủ yếu do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư của các dự án thực hiện chậm. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ cũng gặp nhiều vướng mắc. 

Khánh Hòa đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư của các dự án
Khánh Hòa đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư của các dự án

Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về kết quả giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 cho biết, tỷ lệ bình quân giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm nay của các địa phương đạt hơn 6% kế hoạch. Tại Khánh Hòa, tổng kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là hơn 470 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/6, so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 6,1% – xấp xỉ bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân chưa cao là do công tác kiểm đến, thẩm định, phê duyệt đơn giá đền bù, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm; công tác nghiệm thu thanh toán của chủ đầu tư và các nhà thầu còn chậm; có dự án được đề xuất điều chỉnh địa điểm thực hiện.

Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “6 tháng, tiến độ giải ngân của ban quản lý chưa đạt yêu cầu đề ra, mong rằng trong tháng 7 sẽ giải phóng được mặt bằng các dự án để thi công. Ví dụ như Dự án đường D30 nhiều năm không giải phóng được mặt bằng, mới đây phải lên phương án cưỡng chế và nhiều hộ dân đã giao đất. TP. Nha Trang đã lên nhiều phương án tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn”.

Bà Lê Vinh Liên Trang - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiến nghị, để các dự án có thể giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương sớm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Sở Khoa học và Công nghệ có 2 dự án (ở Diên Khánh và Nha Trang), nhưng từ năm 2022 đến nay không thể triển khai được vì giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; đối với phần đất vắng chủ không thể tiến hành bàn giao được mặt bằng, còn các phần đất có chủ thì các hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top