“Công cụ lãi suất đã tới gần điểm giới hạn“
Đây là ý kiến của PGS. Phạm Thế Anh (Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân) gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo chuyên gia này, Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ thêm lãi suất, bởi 3 lý do: các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao; điều kiện lãi suất thực dương trong nước (lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng lạm phát lõi); cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới đã có 129 lượt tăng lãi suất, 37 lượt giảm lãi suất, riêng Việt Nam đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Thực tế, trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng từ đầu tháng 8 tới nay, dư địa giảm thêm lãi suất điều hành không nhiều. Theo PGS. Phạm Thế Anh, thay vì lạm dụng các công cụ tiền tệ, Việt Nam nên theo đuổi định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ - tăng cường chi tiêu/giảm thuế trong thời kỳ khó khăn và ngược lại.
So với các nước trên thế giới (đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, phải bắt đầu tích lũy xây dựng lại đệm tài khóa sau đại dịch), Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định về tài khóa. Quy mô nợ công đã giảm đáng kể xuống chỉ còn quanh 40% GDP (một phần nhờ áp dụng cách tính GDP mới) - dưới xa ngưỡng trần mục tiêu 60%; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp không quá cao, trong đó chủ yếu là chi trả nợ gốc; lãi suất vay nợ trái phiếu thấp, chủ yếu kỳ hạn dài (10 năm trở lên)... là cơ hội để đẩy mạnh các chính sách tài khóa.
Cụ thể, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng tín dụng thuế đầu tư (investment tax credit) - một hình thức cam kết hoàn thuế dựa trên chi phí đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước muốn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Ưu tiên dành nguồn lực phát triển và thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, thúc đẩy chính sách an sinh xã hội và thúc đẩy tiêu dùng nội địa...
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, chỉ riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được vấn đề. Nói cách khác, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Đối với tín dụng, theo các chuyên gia, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của NHNN và hoạt động của các ngân hàng thương mại. NHNN không nên can thiệp vào khẩu vị rủi ro, hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.
Ổn định hệ thống tài chính là mục tiêu tối quan trọng
Theo TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng bên ngoài và bên trong. Để điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả thời gian tới, đầu tiên phải bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính.
Gỡ bỏ rào cản trong tiếp cận tín dụng với các doanh nghiệp.
Chính sách tiền tệ hiện nay chỉ nên tập trung vào giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống. Tốc độ tăng cung tiền trong hai năm gần đây khá thấp, do vậy bơm thanh khoản là cần thiết để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn Việt Nam cần ổn định được tỷ lệ cung tiền rộng/GDP, vốn đã rất cao so với các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực, để tránh gây bong bóng giá tài sản và lạm phát.
- PGS. Phạm Thế Anh (Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân) -
Đồng thời, chuyên gia này khuyến nghị, cần nhận thức đúng đắn về tình hình lạm phát để xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá đặt trong bối cảnh tổng thể kinh tế vĩ mô. Hiện tại, lạm phát không đáng ngại, chính sách tiền tệ nên được điều hành theo hướng hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi.
“Trong điều kiện hiện nay, việc chỉ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở sẽ chỉ mang lại một phần hiệu quả trong nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Muốn đạt được mục tiêu giảm tiếp lãi suất, cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để cung ứng một lượng vốn với lãi suất thấp và có tính ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Trương Văn Phước khuyến nghị.
Trong khi đó, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra nhiều điểm nghẽn trên thị trường tài chính như: quy mô tín dụng/nền kinh tế ở mức cao so các nước cùng trình độ phát triển; tín dụng vẫn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản và có xu hướng tăng nhanh (nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ tập trung vào bất động sản 30 - 40%); tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên còn thấp; nguồn cung ứng vốn tín dụng trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, trong khi kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...
Theo chuyên gia này, chính sách tiền tệ thời gian tới phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao. Đồng thời, đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém./.