Aa

ĐBQH: Nhiều dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ, doanh nghiệp chưa an tâm đầu tư

Thứ Hai, 28/10/2024 - 12:38

Theo các Đại biểu Quốc hội, hoạt động của thị trường bất động sản, đặc biệt là việc quản lý phát triển nhà ở xã hội thời gian qua còn nhiều bất cập cần tăng cường giám sát và xử lý.

Sáng 28/10, Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Vẫn còn lúng túng, bất cập trong phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhận xét, báo cáo của Đoàn Giám sát đã đánh giá rất cụ thể khách quan, có số liệu chứng minh đầy đủ. Công tác giám sát của Quốc hội cơ bản đã chỉ ra những ưu điểm, những hạn chế thiếu sót, những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện quản lý thị trường bất động sản và triển khai thực hiện nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Nhìn nhận về thị trường bất động sản, Đại biểu đề cập đến vấn đề sốt giá đất, giá đất cao nhưng vẫn có người mua. Tuy nhiên, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê. Đặc biệt, nhu cầu nhà ở thương mại cao cấp ít, giảm giá nhưng chậm thanh khoản; trong khi nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại thiếu nguồn cung.

ĐBQH: Nhiều dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ, doanh nghiệp chưa an tâm đầu tư- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước hết, do chính sách trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chậm giải ngân; nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng; nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định, chỉ có ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp.

Mặt khác, một số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, hay phải sửa đổi bổ sung nhiều lần, nên khâu thực hiện còn lúng túng, còn có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, còn tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch.

Riêng về việc phát triển nhà ở xã hội, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế, quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn việc phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc vào 20% diện tích trong dự án của nhà ở thương mại. Kể cả với 20% này cũng khó thực hiện do diện tích manh mún, không tạo ra được bộ mặt khang trang cho đô thị.

Trong khi đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chưa đạt yêu cầu. Có địa phương mới bước đầu triển khai do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn. Phần lớn là từ nguồn xã hội hoá, như hộ gia đình tự xây dựng nhà trọ cho người dân thuê. Việc các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, chậm định giá đất của địa phương cũng là nguyên nhân nhiều dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ.

Đại biểu mong muốn, thời gian tới, nhiều địa phương sẽ bắt tay thực hiện, đối tượng trong diện chính sách về nhà ở sẽ có đủ kiện tiếp cận được nhà ở; doanh nghiệp bất động sản an tâm đầu tư vào thị trường nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.

Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi trong phát triển nhà ở xã hội

Đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cũng cho rằng, báo cáo được xây dựng công phu, chi tiết, đã thể hiện sâu sắc, toàn diện, tạo dựng được bức tranh toàn cảnh và chân thực về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Những kiến nghị trong báo cáo cụ thể, thiết thực và gắn với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, những vướng mắc trong lĩnh vực thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Bổ sung liên quan đến đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội, bà Nga cho rằng, đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng. Có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này.

ĐBQH: Nhiều dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ, doanh nghiệp chưa an tâm đầu tư- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Vì vậy, Đại biểu mong muốn, Đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, đề xuất giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội; bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội, để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng đánh giá, Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là rất trúng và cần thiết trong thời điểm hiện nay. Song, khi tổ chức cho đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát tại địa phương, thì thời điểm giám sát "dường như chưa thực sự trúng thời điểm vàng".

Theo đó, chuyên đề giám sát nhằm mục đích đánh giá quá trình thực thi pháp luật, những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, có những kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục, tiếp tục thực thi có hiệu quả cao nhất các chính sách pháp luật. Một trong những kiến nghị quan trọng sau giám sát của Quốc hội là kiến nghị về thể chế. Tuy nhiên, việc giám sát quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội được tiến hành khi Quốc hội đã ban hành một số luật liên quan đến thị trường bất động sản. Do đó, các đơn vị được giám sát khó báo cáo những khó khăn, vướng mắc về thể chế trong giai đoạn đã thực thi các quy định của pháp luật thời gian qua, vì đa số các khó khăn, vướng mắc đã được sửa đổi trong luật mới ban hành.

Mặt khác, đối với các luật đã được Quốc hội thông qua nhưng chưa có hiệu lực, hiệu quả thi hành thời điểm giám sát, nên các địa phương, cơ quan tổ chức chưa biết sẽ có những vướng mắc gì khi thực hiện để tiếp tục kiến nghị.

"Nếu cuộc giám sát này được lựa chọn thực hiện trước thời điểm Quốc hội cho ý kiến sửa đổi và thông qua các luật có liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội thì hiệu quả giám sát sẽ lớn hơn nhiều và kết quả cuộc giám sát sẽ đóng góp rất tích cực vào quá trình xem xét và sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top