Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thực hiện với một trong những mục tiêu quan trọng là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế cho thấy rằng vẫn còn một số quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với điều kiện để nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh. Khoản 2 Điều 25 quy định "trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý thị trường bất động sản về việc nhà ở để đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Cơ quan có thẩm quyền quản lý bất động sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở, đưa vào kinh doanh và trả lời bằng văn bản nếu nhà ở không đủ điều kiện được bán, cho thuê mua".
Tương tự khoản 4 Điều 32 quy định "trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền trong dự án bất động sản, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo gửi đến cơ quan có thẩm quyền quản lý bất động sản cấp tỉnh và được chấp thuận về quyền sử dụng đất đủ điều kiện được chuyển nhượng".
Đây là những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu thực hiện, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường hậu kiểm, áp dụng chế tài nếu chủ đầu tư dự án vi phạm, nhằm cải cách, rút gọn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Với quy định này trong dự thảo hoạt động doanh nghiệp sẽ trở nên phức tạp hơn, trong khi trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để thuận lợi hơn trong kinh doanh, từng bước được phục hồi. Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng đã nhận định cho rằng quy định này chẳng khác nào thêm giấy phép con trong quá trình hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thủ tục này", đại biểu Thanh nêu quan điểm.
Thứ hai, về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Khoản 3 Điều 43 dự thảo quy định trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì sau khi có quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng thủ tục sẽ thực hiện như sau:
Bước 1, bên chuyển nhượng thực hiện thủ tục trả lại đất cho Nhà nước.
Bước 2, bên nhận chuyển nhượng sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc đầu tư phải thực hiện thủ tục theo hướng bên chuyển nhượng trả lại đất đai sau khi Nhà nước giao đất cho bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được công nhận là chủ đầu tư dự án sẽ làm phức tạp thêm thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện hoạt động chuyển nhượng. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng có ý nghĩa các yếu tố điều kiện của bên nhận chuyển nhượng đã được thẩm định. Vì vậy, thủ tục thành hai bước như dự thảo là không hợp lý.
Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tương tự như các trường hợp chuyển nhượng của tổ chức kinh tế có vốn trong nước. Theo đó, sau khi bên chuyển nhượng gửi hồ sơ đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng dự án phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao dự án.
Thứ ba, về các thủ tục liên quan đến hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản theo quy định tại Điều 71, Điều 73 dự thảo: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn bất động sản, kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản trước khi hoạt động kinh doanh phải gửi thông tin về doanh nghiệp đến Sở Xây dựng địa phương nơi thành lập doanh nghiệp để đăng tải thông tin lên cổng thông tin của Sở Xây dựng.
Trong khi đó, ngành nghề này là ngành nghề kinh doanh thông thường, không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do việc yêu cầu kinh doanh, doanh nghiệp phải thông báo đến cơ quan quản lý trước khi hoạt động cũng là thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo trước khi hoạt động kinh doanh quy định tại Điều 71 và Điều 73 dự thảo cần được gỡ bỏ. Nếu cơ quan quản lý nhà nước muốn biết thông tin về doanh nghiệp này thì có thể lấy thông tin từ cơ quan đăng ký giấy phép kinh doanh.
"Đặc biệt là tôi rất tán thành với nhiều ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải quy định công chứng bắt buộc thay vì mua bán qua sàn giao dịch. Bởi công chứng bắt buộc là công cụ pháp lý phổ biến để kiểm soát tốt rủi ro đối với người dân, bảo đảm sự minh bạch về thông tin của các bên khi tham gia giao dịch bất động sản", đại biểu Thanh nhấn mạnh.