Trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, TP sẽ triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ (dự kiến quý IV/2019). Tuy nhiên, để giãn dân số của 10 phường cùng 79 tuyến phố cần có những giải pháp rất cụ thể.
Nhiều tồn tại
Để xem xét vấn đề giãn dân phố cổ, trước hết cần nhìn nhận vai trò của công tác này đối với việc bảo tồn di sản khu vực phố cổ, bởi Thủ đô Hà Nội là một đô thị lịch sử trong đó có những khu đô thị đặc trưng như khu phố cổ, nó thể hiện sự quan tâm của cộng đồng trong nước và cả nước ngoài.
Trong số các giải pháp đặt ra thì giải pháp quan trọng nhất mà nhiều chuyên gia trên cả nước cũng như nước ngoài đã đưa ra đó là phải giãn dân khu phố cổ, và chỉ có giãn dân mới bảo tồn được di sản và mới phát huy được giá trị di sản đó.
Qua rất nhiều các nghiên cứu và gần đây nhất là quy chế chế năm 2013 đã đặt ra vấn đề với khu phố cổ. Cụ thể, với diện tích 82ha, năm 2013 khu phố cổ đã có gần 70 nghìn dân. Như vậy để đảm bảo giá trị khu phố cổ cần giảm dân số xuống còn 45.000 dân.
Việc thực hiện giãn dân tại khu phố cổ, ngoài mục đích bảo tồn di sản, còn nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Bởi hiện nay có nhiều hộ nơi đây chưa đạt bình quân 5m2 sàn/người dân (trong khi chúng ta đã quyết tâm nâng lên khoảng gần 25m2 sàn/người dân).
Về việc này, từ sau quy chế quản lý năm 1999, Hà Nội đã đặt ra vấn đề phải giãn dân khu phố cổ và đặt ra địa điểm cụ thể để giãn dân đó là phường Ngọc Thụy, phường Việt Hưng, quận Long Biên và giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư dự án giãn dân này. Tuy nhiên 20 năm qua, TP mới chỉ giải quyết được hơn 1.000 hộ dân.
Việc bảo tồn di sản, theo kinh nghiệm từ các nước, đặc biệt là kinh nghiệm từ Ý, thời điểm năm 2010 đã có sự ký kết của chính quyền thành phố giữa các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của Ý và Việt Nam để đặt ra vấn đề bảo tồn khu phố cổ, cùng với đó là tổ chức Hữu nghị Việt - Pháp liên kết với các vùng của Pháp hoặc các vùng của Paris để bàn về khu phố cổ...
Để quản lý khu phố cổ phía chính quyền đã thành lập Ban quản lý khu phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý. Việc hoạt động và quản lý bảo tồn bao gồm các công tác cải tạo chỉnh trang nhưng riêng công tác giãn dân đến nay còn rất nhiều tồn tại chưa thể triển khai được như định hướng đã đề ra.
4 giải pháp giãn dân
Thứ nhất, cần tạo đồng thuận giữa nhân dân với Nhà nước về quan điểm quản lý khu phố cổ không chỉ là vấn đề không gian vật thể kiến trúc mà cần quản lý cả về chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống tại đó.
Nói cách khác, quản lý khu phố cổ giống như quản lý một cơ thể sống chứ không phải quản lý một không gian vật thể mà chỉ là xác mà không có hồn. Ở đây, chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore hoặc ngay tại câu chuyện từ Hội An của Việt Nam.
Thứ hai, cần xác định người dân nào, đối tượng nào là người sẽ di dời khỏi khu phố cổ, bởi ngoài việc vận động thì cũng cần có quy định, khung pháp lý rất chặt chẽ cho việc này. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cho những người thuộc đối tượng di dân ra khỏi khu phố cổ vừa qua vẫn còn thiếu tầm nhìn tổng thể.
Thí dụ thay bằng việc dồn tất cả họ về một khu đã được định dạng trước khiến họ cảm thấy khi bị cưỡng bức, chúng ta nên có chính sách ưu đãi, đền bù một cách linh hoạt, thỏa đáng bằng hình thức thỏa thuận.
Thứ ba, đó là cấu trúc của đề án giãn dân. Vừa qua chúng ta mới chỉ chú trọng tới việc tạo nhà ở cho người dân, nhưng chưa chú trọng đến việc họ sẽ làm gì để có nguồn thu nhập khi đến nơi ở mới.
Ngoài ra, hạ tầng xã hội như trường học, học nhà trẻ, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng cũng cần được xây dựng đồng bộ. Hiện nay các dự án giãn dân vẫn chưa chú ý tới các yếu tố hạ tầng đồng bộ nên không tạo sức hút để người dân di dời.
Giải pháp cuối cùng và cũng hết sức quan trọng đó là tuyền truyền để người dân trong khu phố cổ hiểu rằng, việc người dân phải dời đi không chỉ vì bản thân cá nhân mà còn là trách nhiệm của họ vì lợi ích của thủ đô, của dân tộc cho các thế hệ sau.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội