Aa

Để đô thị thực sự trở thành động lực phát triển

Thứ Tư, 08/11/2023 - 06:05

Hiện các đô thị đang đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển, tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Trên thế giới, các đô thị đang tạo ra đến 80% GDP toàn cầu; trong đó 100 thành phố lớn nhất chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu.

Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước

Trong bối cảnh phát triển chung, đô thị hóa tại Việt Nam tiếp tục gia tăng về tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa. Bởi vậy, việc quan tâm hoạch định chính sách, giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ quan trọng để có thể tận dụng được lợi thế từ khu vực đô thị, đồng thời giải quyết các vấn đề, thách thức trong phát triển đô thị hiện nay.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Theo Bộ Xây dựng, để cụ thể hóa chỉ đạo của Đại hội XIII, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành riêng một Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chỉ đạo cụ thể về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị.

Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với nhiều tiêu chí cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Điều này cho thấy, quá trình chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị là liên tục, xuyên suốt và được quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành

Tại Hội nghị phát triển đô thị diễn ra cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến hết quý III/2023, cả nước có 902 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 42,6%. Không gian đô thị được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Diện mạo kiến trúc, công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc... Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Hệ thống đô thị quốc gia không chỉ phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước; bước đầu hình thành cực tăng trưởng tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, đô thị Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để thực sự trở thành nơi đáng sống. Đó là khắc phục bất cập về quá tải về hạ tầng cứng, giao thông, nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường đô thị, hạn chế trong quy hoạch, quản lý quy hoạch...

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, mô hình kinh tế đô thị, quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…

Đáng chú ý, hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở... còn chưa thống nhất, không đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Quy trình phức tạp và sản phẩm cứng nhắc của các đồ án quy hoạch đang tạo ra cản trở lớn cho các nhà đầu tư. Khả năng tiếp cận thị trường của đồ án quy hoạch đô thị hiện nay còn rất hạn chế.

Cao ốc ở trung tâm thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Do đó, khi cần đáp ứng và thu hút các dự án đầu tư, chính quyền địa phương thường xuyên phải tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) theo một quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến cơ hội đầu tư và chi phí chung của doanh nghiệp.

"Phát triển đô thị, tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn. Sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong cư dân đô thị ngày càng gia tăng dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn giữa phát triển với việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa lịch sử đô thị diễn ra gay gắt…" - ông Chính đánh giá.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Quang, Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cho rằng, giống như ở các nước khác, các thành phố ở Việt Nam chính là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nền kinh tế phải tập trung vào sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này đòi hỏi các thành phố phải hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng sống và năng lực người dân được nâng cao hơn, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng phát triển tốt hơn.

Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các cơ quan và chính quyền đô thị thành phố cải thiện khâu quy hoạch và quản lý, xây dựng nguồn lực tài chính và nhân lực, cung cấp hạ tầng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững không tự diễn ra mà là do hoạch định và thực hiện chính sách.

Bởi vậy, cần có chính sách và hành động mạnh mẽ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Đây là điều cần thiết nhằm thúc đẩy và định hướng cho quá trình đô thị hóa vì lợi ích của tất cả mọi người, mọi khu vực - ông Quang phân tích.

Các chuyên gia kỳ vọng, thông qua chính sách đô thị, Chính phủ tạo điều kiện tích cực cho sự phát triển của các thành phố, nơi sẽ ươm mầm và hình thành những điều kiện cần thiết cho quá trình tăng năng suất và thịnh vượng của đô thị. Chính sách đô thị hiện nay đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp và đa chiều để thực sự tạo ra những động lực, kích thích sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top