Tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2020 diễn ra mới đây, hầu hết các chuyên gia đều đồng nhất quan điểm rằng, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5 - 10 năm tới nhờ nhu cầu thiết lập nhà xưởng lớn từ các nhà đầu tư.
Ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam nhận định: "So với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam trở thành điểm sáng bởi sở hữu vị trí tiếp giáp, cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng cường đầu tư và có các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi đầu tư khác,… Đây chính là cơ hội, là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam".
Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng được nâng cấp liên tục, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả các chú chim đại bàng lớn.
Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ doanh nghiệp, phát biểu tham luận về việc phát triển chuỗi sản xuất ngành ô tô tại Việt Nam - thời cơ đã tới, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco Group) cho rằng, mô hình Khu công nghiệp chuyên ngành như Thaco đã làm như chuyên ô tô và cơ khí; chuyên nông lâm nghiệp; cảng và hậu cần cảng... là mô hình sẽ thay thế mô hình khu công nghiệp đơn thuần là đầu tư hạ tầng cho thuê.
"Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư trong khu công nghiệp cung cấp sản phẩm cho nhau, giao hàng nhanh chóng, cắt giảm chi phí logistics và phát triển hạ tầng xã hội hình thành một thành phố công nghiệp khép kín", đại diện Thaco Group nhấn mạnh.
Theo ông Tài, cách làm này sẽ thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến của bất động sản công nghiệp. Góc nhìn trên được đúc kết từ chính kinh nghiệm của Thaco trong hơn hai thập kỷ qua. Từ một doanh nghiệp nhỏ chuyên mua bán ô tô đã qua sử dụng, Công ty đã phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với quy mô lớn. Năm 2003, Thaco đã đầu tư vào khu Kinh tế mở Chu Lai ( Quảng Nam), với tổng diện tích 1.200ha cùng 3,5 tỷ USD vốn đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây được xem là Trung tâm Công nghiệp ô tô và Logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN.
Khu công nghiệp Cơ khí và ô tô hiện hữu có quy mô hơn 243ha với hai phân khu: Các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và phân khu các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng và Tổ hợp sản xuất gia công cơ khí. Thaco tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 100ha, nâng tổng diện tích khu công nghiệp cơ khí và ô tô lên gần 400ha.
Năm 2018, Thaco thực hiện chiến lược đầu tư đa ngành thông qua việc triển khai Khu công nghiệp chuyên Nông Lâm nghiệp có diện tích 451ha gồm Trung tâm R&D và cánh đồng thực nghiệp, tổ hợp các nhà máy chế biến trái cây và tổ hợp nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ để sản xuất - chế biến - phân phối và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực logistics, Thaco đã thành lập Tổng công ty THILOGI kết nối cảng Chu Lai với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Việt Nam). Đồng thời, công ty cũng cung ứng các dịch vụ logistics trọn gói gồm: Cảng, vận tải đường bộ, vận tải biển, kho bãi với các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Chu Lai đi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc đầu tư bài bản đã giúp Thaco có những thành tựu đáng nể bằng các hợp tác với các thương hiệu ô tô quốc tế nổi tiếng như BMW, Mazda, Kia, Peugeot. Hiện nay, Thaco là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất, phân phối đầy đủ chủng loại xe từ trung cấp đến cao cấp. Từ năm 2005 đến nay, Thaco đã bán ra gần 750.000 xe, chiếm 30% thị phần ở Việt Nam. Công ty hiện cũng đã tham gia xuất khẩu các sản phẩm ô tô và linh kiện phụ tùng sang thị trường khu vực và thế giới.
"Hơn 20 năm hình thành và phát triển, đặc biệt là qua giai đoạn đầu tư các khu công nghiệp tại Chu Lai, chúng tôi nhận thấy để đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút nhà đầu tư thành công cần phát triển bất động sản công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp chuyên ngành", ông Tài nhấn mạnh.