Những xung đột hiện hữu giữa văn hóa và kiến trúc
Trong một cuộc trò chuyện với Reatimes, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã khẳng định: “Kiến trúc là một phần của văn hóa. Nhiệm vụ của quy hoạch và kiến trúc là tạo dựng không gian sống cho con người, do đó phản ánh văn hóa là bắt buộc, là đương nhiên. Bởi lẽ kiến trúc cho ai, quy hoạch cho ai? Cho người Việt Nam, cho những dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Cho nên quy hoạch, kiến trúc phải phù hợp với tính bản địa, với đặc trưng của địa phương về con người, địa hình và văn hóa”.
Thế nhưng, thực tế đã cho thấy rằng, kiến trúc Việt Nam hiện nay còn tồn tại những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển và chưa phản ánh được bản sắc văn hóa đậm đà. Hay nói cách khác, kiến trúc vẫn xa rời văn hóa bản địa, phát triển manh mún, cóp nhặt, thiếu điểm nhấn và sáng tạo ở cả đô thị lẫn nông thôn.
Theo TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), kiến trúc nông thôn Việt Nam hiện nay đang có xu hướng quá tải, xung đột với những quan điểm và nhận thức của nông thôn - nơi lưu giữ sâu đậm nhất những giá trị của nền văn hóa, những giá trị tinh hoa dân tộc. Mặt khác, nông thôn cũng có thể chứa đựng những sự trì trệ khó xoay chuyển nhất thông qua cốt cách mang tính cộng đồng, nhưng kiến trúc cũng chưa thể hiện được vai trò khắc phục những hạn chế này.
Chuyên gia cũng nhận định, văn hóa, lối sống, kiến trúc nông thôn hiện đang bị đô thị hóa xâm lấn, có nguy cơ phá vỡ và mất dần gốc rễ. Trong khi đó, các cơ chế chính sách được cụ thể hóa bằng các đồ án quy hoạch có phần phiến diện, duy ý chí; chưa coi trọng và thiếu giải pháp để duy trì những giá trị văn hóa từ các khu định cư truyền thống của làng xóm; áp dụng một khuôn mẫu chung cho tất cả các vùng nông thôn trên cả nước, phá vỡ và đi ngược lại sự hình thành với cốt cách văn hóa nông thôn.
Cùng với đó, hiện trạng cho phép tách thửa đất trong các khuôn viên nhà ở truyền thống, từ thừa kế đến chuyển dịch mua bán cũng dẫn đến việc không quản lý được diện mạo kiến trúc. Nhà ở xây cất với nhiều hình thức khác nhau làm phá vỡ và biến dạng hình thái, cấu trúc không gian kiến trúc làng quê, xâm lấn và phá hủy dần ngôi nhà kiến trúc truyền thống nguyên sơ từ ban đầu, đồng thời khiến gia tăng mật độ dân số, mật độ cư trú, biến đổi cư dân gốc, du nhập văn hóa ngoại lai…
Với kiến trúc đô thị, TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng phân tích, hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có tốc độ phát triển đô thị vượt bậc với gần 1.000 khu đô thị mới ra đời, bên cạnh những đô thị cũ hiện hữu. Bộ mặt kiến trúc lẫn hạ tầng kỹ thuật đô thị đã hiện đại hơn, tiện nghi hơn. Không ít đô thị đạt thành công ở cả quy hoạch lẫn phong cách kiến trúc như Ecopark, Phú Mỹ Hưng, Vinhomes, Phúc Khang…
Nhưng với một bộ phận không nhỏ còn lại, hầu hết đều manh mún, thiếu bản sắc, có xu hướng đồng nhất hóa về hình thái, cấu trúc và diện mạo kiến trúc… Cùng với đó, diện mạo thành phố cũng trở nên xấu đi khi sự tẻ nhạt về kiến trúc đi cùng những hệ quả của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát như: ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, mật độ cư trú quá tải, thiếu thốn các tiện ích thuộc hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thiếu vắng cây xanh và mặt nước, ngập lụt, cháy nổ, mất trật tự và tệ nạn xã hội, yếu thế trong phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó là sự chồng chéo, thiếu nhất quán và đồng bộ của các hệ thống luật, cơ chế chính sách trong kiến tạo, quản lý, quản trị và vận hành hoạt động của mỗi đô thị, mỗi thành phố. Ngoài ra, việc di dời các cơ sở ô nhiễm và độc hại ra khỏi các thành phố đã được triển khai, nhưng một phần không nhỏ quỹ đất lại được dùng để phát triển chung cư hoặc các trung tâm thương mại, thay vì đầu tư cho các không gian công cộng của thành phố, dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng và sống gần tự nhiên của cư dân.
Duy trì, tiếp nối bản sắc văn hóa và kiến trúc truyền thống trong thế giới đương đại
TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng đã chỉ ra, để kế thừa, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc, trước những cơ hội và cả thách thức đến từ thời kỳ mở cửa hội nhập, cần phải bắt đầu từ việc định lượng các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể hóa và định lượng hóa các chỉ tiêu về mật độ dân số, mật độ cư trú, mật độ xây dựng, diện tích đất ở tối thiểu... từ các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Cùng với đó, giữ vững 3 trụ cột nguyên tắc cơ bản trong kiến trúc - quy hoạch là bảo tồn giá trị văn hóa, gìn giữ môi trường và phát triển. Đặt mục tiêu cân bằng giữa văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần với văn hóa tổ chức xã hội.
Theo TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng, văn hóa kiến trúc bản địa là một quá trình văn hóa chứ không đơn thuần là sản phẩm vật chất. Để nền kiến trúc phát triển bền vững, cần lấy văn hóa và kiến trúc bản địa làm gốc và nuôi dưỡng bằng tài nguyên, nguồn vốn, công nghệ và con người. Con người của kiến trúc cũng phải được quan tâm, định hướng, đào tạo. Suy cho cùng, làm thế nào để kiến trúc cân bằng được giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, giữa bản sắc và tiên tiến.
Để duy trì và làm nổi bật bản sắc đô thị, nông thôn Việt Nam trong kiến trúc, cần nâng cao và lưu giữ: các điểm đặc trưng của đô thị, nông thôn, như hình thể, cấu trúc, không gian đặc rỗng, không gian đóng mở, giao thông, các cửa ngõ; các hoạt động văn hóa như cảnh quan đường phố, tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống, tập quán; các giá trị truyền thống, lịch sử; và các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, hệ sinh thái.
Chuyên gia nhấn mạnh, cần ban hành Tiêu chuẩn về nghệ thuật và thiết kế không gian công cộng (nội dung này chưa được cụ thể hóa trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 01:2021 và trong Thông tư 06/2013/TT-BXD về thiết kế đô thị (ban hành ngày 13/5/2013)), trong đó cần làm rõ nhiệm vụ kết nối các hệ sinh cảnh, tái hồi sinh các địa điểm lịch sử sau khi di chuyển và hoàn chỉnh các thiết kế thuộc hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị (vỉa hè, cây xanh, công viên, giao thông công cộng...).
Ngoài ra, có thể thiết lập sổ tay hướng dẫn và khuyến khích người dân xây dựng cải tạo và xây mới nhà ở theo các mẫu thức kiến trúc truyền thống của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu thiên tai, dịch bệnh… Quy hoạch nông thôn cần xác lập các khu ở định cư truyền thống, khống chế tách thửa diện tích khuôn viên ô đất phù hợp với diện tích của ô đất (khuyến khích giữ nguyên và định hình cơ cấu hộ gia đình phù hợp).
Cùng với đó, phải đảm bảo sinh kế cho người dân, phải để mọi công trình kiến trúc từ nhà ở đến công trình công cộng đều đóng vai trò là một đơn vị thay thế một tế bào xanh của hạ tầng xanh nông thôn. Khuyến khích phát triển kinh tế du lịch địa phương, cộng đồng, hộ gia đình trên cơ sở khai thác từ quỹ kiến trúc nhà ở gắn với văn hóa, sản xuất, lễ hội, tập quán... Hướng dẫn chính quyền địa phương và người dân bảo tồn, tu tạo, phục dựng hoặc xây mới các công trình kiến trúc nhà ở, công cộng, tôn giáo tín ngưỡng... có giá trị văn hóa.
Sau cùng, TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng khẳng định, chìa khóa để đi đến thành công là phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế số theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Bản thân kiến trúc, quy hoạch cũng phải tự vận động và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thời đại, tự khắc phục những hạn chế về phát thải, ô nhiễm và tìm ra những hướng đi sáng tạo, giúp công trình và không gian kiến trúc bền vững hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Có thể nói, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong kiến trúc hiện đại là một hành trình gian truân, không dễ dàng. Làm sao để truyền tải được hơi thở của hàng nghìn năm lịch sử và biết bao giá trị kiến trúc được đúc kết từ cha ông vào một nếp nhà, một con đường, đến cả một làng quê, một thành phố, một vùng đô thị, đó là sứ mệnh to lớn đặt lên vai không chỉ những kiến trúc sư, nhà quy hoạch mà còn là cả cộng đồng. Sứ mệnh, nhiệm vụ ấy càng trở nên cấp bách, cần thiết hơn, trong bối cảnh những hệ lụy của việc du nhập văn hóa đã và đang dần biểu hiện rõ ràng hơn./.