Aa

Đại biểu Quốc hội đề nghị phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM trong tổ chức bộ máy

Thứ Sáu, 09/06/2023 - 05:39

Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến liên quan đến việc tổ chức chính quyền của TP.HCM và TP.Thủ Đức trong phiên thảo luận chiều 8/6 về các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Phân quyền mạnh hơn được 3 điều lợi

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã đưa ra các chính sách tích cực về tổ chức chính quyền TP.HCM.

Chẳng hạn như việc quản lý liên thông đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn tương tự như đã áp dụng đối với công chức phường theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội; bổ sung một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; phân quyền cao hơn ở một số nội dung cụ thể cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP.HCM và Ủy ban nhân dân TP.Thủ Đức.

Tuy nhiên, đại biểu Thủy đánh giá những nội dung này còn khá lẻ tẻ, quá cụ thể và có những nội dung không cần thiết phải do Quốc hội quyết định, ví dụ như việc thành lập thêm cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, việc quy định tiêu chuẩn, định mức số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong khi các nội dung phân quyền cho Ủy ban nhân dân TP.Thủ Đức lại chưa rõ ràng.

Vì thế, đại biểu Thủy đề nghị Quốc hội xem xét, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.

Cụ thể, thay vì trình Quốc hội hay Chính phủ quy định hay cho phép thành lập từng cơ quan chuyên môn cụ thể như Sở An toàn thực phẩm, Ban Đô thị thuộc Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc, hay tăng thêm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, tăng thêm số lượng cấp phó tại một số đơn vị hành chính cấp xã… thì ngay tại nghị quyết này, đề nghị Quốc hội phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp thành phố và cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc, các ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp dưới, phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình và Ủy ban nhân dân cấp dưới;

Quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định tổng biên chế đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, phân quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt quá tổng biên chế đã được Hội đồng nhân dân quyết định.

Đại biểu Thủy cho rằng việc phân quyền cho TP.HCM tự quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy sẽ đáp ứng được 3 yêu cầu.

Thứ nhất là tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý giúp Thành phố có thể áp dụng các giải pháp mới, thử nghiệm các mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm tình hình yêu cầu quản lý tại mỗi thời kỳ.

quốc hội khóa 15
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM trong tổ chức bộ máy. Ảnh: quochoi.vn

TP.HCM là đại đô thị với quy mô dân số trên 9 triệu dân, khả năng đóng góp GDP cả nước vào khoảng 17%, lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác. Trong đó có thành phố Thủ Đức với trên 1,2 triệu dân, thu ngân sách năm 2022 đạt khoảng 20.100 tỷ đồng hay quận 1 có số thu ngân sách năm 2021 cũng đạt trên 18.000 tỷ đồng, cao hơn số thu của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; có 11/16 quận, 4/5 huyện có dân số trên 20.000 dân, gồm có những quận như quận Bình Tân hay huyện Bình Chánh có số dân trên 800.000 người; có 48/312 xã, phường, thị trấn có số dân trên 50.000 người, cá biệt có những đơn vị như phường Bình Hưng Hòa A dân số là 126.000 người, phường Hiệp Bình Chánh 107.000 người hay xã Vĩnh Lộc A là gần 165.000 người.

Với quy mô tổ chức như vậy thì tổ chức các cơ quan thuộc bộ máy hành chính các cấp nói chung và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố hay thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn, không chỉ riêng thành phố Thủ Đức, cần có những đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu quản lý dân cư, quản lý, điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung của địa bàn đô thị phức tạp bậc nhất này.

Thứ hai, việc phân quyền sẽ làm tăng khả năng đáp ứng nhanh chóng, kịp thời. Bởi khi các quyết định về tổ chức bộ máy, về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đưa ra ở cấp địa phương thì thủ tục, trình tự sẽ được rút ngắn và đơn giản hóa hơn rất nhiều, tạo sự chủ động cho địa phương.

Việc này cũng tăng tính sáng tạo, linh hoạt trong việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp với tình hình, đặc thù và nhu cầu của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy, cũng như mức độ phản ứng kịp thời với những biến chuyển của tình hình. Việc mở rộng khả năng thử nghiệm các mô hình mới là hoàn toàn phù hợp và rất khả thi trong điều kiện áp dụng thí điểm tại 1 địa phương là TP.HCM.

Thứ ba, TP.HCM sẽ quản lý tốt hơn nguồn lực và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình trong giới hạn về tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giới hạn về tỷ lệ phần trăm chi thường xuyên cho bộ máy hành chính trên tổng chi ngân sách của Thành phố.

“TP.HCM nên được giao quyền chủ động, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu, tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bố trí tại từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để bảo đảm đáp ứng tốt hơn các thách thức và cơ hội phát triển đang đặt ra, phù hợp với khả năng hiện có của nguồn lực”, đại biểu Thủy nói.

Riêng đối với thành phố Thủ Đức, với mục tiêu hình thành khu đô thị sáng tạo, là hạt nhân, cực tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đại biểu Thủy cho rằng các nội dung phân quyền như thể hiện trong dự thảo nghị quyết chưa thể tạo ra những đột phá căn bản.

“Do đó, về lâu dài, cần nghiên cứu, xây dựng luật về các đô thị đặc biệt để có những cơ chế mạnh mẽ, vượt trội, nhằm phát triển các đô thị trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng như thành phố Thủ Đức, thành phố Bắc sông Hồng dự kiến sẽ thành lập ở Hà Nội hay đô thị đảo Phú Quốc”, đại biểu Thủy nêu quan điểm.

Đề nghị cân nhắc vấn đề nhân sự

Cũng ủng hộ cho việc tăng quyền cho TP.HCM, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đề xuất giao một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân TP.HCM để thực hiện như: quyết định thành lập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như Sở An toàn thực phẩm, trên cơ sở thống nhất đầu mối quản lý an toàn thực phẩm từ 3 Sở như quy định hiện nay (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hay như một số cơ quan, đơn vị thành phố thuộc thành phố như: Thanh tra xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc thành phố Thủ Đức mà chưa được quy định trong các quy định chuyên ngành hiện nay; và được chủ động quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Góp ý thêm về góc độ nhân sự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lưu ý một quy định là điểm a, khoản 5, Điều 9 dự thảo “giao Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định cơ cấu số lượng công chức, số lượng chức danh, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn".

Đại biểu Hòa cho rằng cần cân nhắc quy định nêu trên và nên chăng có quy định khung tối đa số lượng cán bộ, công chức hoạt động không chuyên trách để không tùy tiện bố trí biên chế, số lượng nhiều, tránh so bì với các địa phương khác.

“Ví dụ như bố trí không quá 30 biên chế cán bộ, công chức tùy theo điều kiện thực tế của mỗi cơ sở, vì các địa phương khác ở trong nước chỉ có tối đa là 23 người”, đại biểu Hòa nói và cho rằng “Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, cấp quận, huyện, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân... thì lại quy định số lượng, còn cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ hoạt động không chuyên trách lại không quy định số lượng thì tôi cho rằng cần phải có sự cân nhắc”.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề nhân sự, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có cơ chế, chính sách chung với việc xác định định biên trên cơ sở tiếp cận đa chiều của đối tượng quản lý cho cả nước, trong đó có TP.HCM trong việc chủ động xem xét, thẩm định, giao bổ sung, điều tiết số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo tiêu chí, tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô, diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn tại TP.HCM để góp phần khắc phục tình trạng thiếu biên chế cũng như sự quá tải về công việc hiện nay.

“Đặc biệt, đối với các xã của các huyện có đông dân cư đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ thì cần chú ý nguyên tắc xác định quỹ lương trên cơ sở hiệu quả công việc với việc ngân sách TP.HCM được điều tiết cao hơn từ phần định mức ngân sách nhà nước mà TP.HCM đóng góp vượt trội và được phân cấp quản lý, điều tiết trong phạm vi địa phương để không làm gia tăng gánh nặng quỹ lương và chi thường xuyên của cả nước và TP.HCM”, đại biểu Bình nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top