Aa

Để người mua tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở xã hội

Thứ Hai, 28/08/2023 - 06:12

Các quy định hiện nay đang tạo ra rào cản lớn với cả người mua lẫn doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội. Vì vậy, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh và mở rộng quy định đối tượng mua nhà ở xã hộ

Mua không dễ

Vốn dĩ nhà ở xã hội là dành cho người có thu nhập thấp hoặc thuộc diện chính sách, tuy nhiên, thực tế vẫn rất khó mua nhà ở xã hội. Chị Nguyễn Minh Huệ (28 tuổi) tại Hà Nội chia sẻ: hiện gia đình 3 người chúng tôi đang đi thuê để ở, thu nhập của hai vợ chồng trung bình mỗi người gần 12 triệu/tháng. Chúng tôi mong mỏi tích lũy nhờ thêm nội ngoại hai bên để mua nhà xã hội với tâm lý “an cư lập nghiệp”. Thế nhưng, chúng tôi phải đóng thuế cá nhân nên không thuộc diện được mua nhà ở xã hội.

Việc mua nhà ở xã hội đối với nhiều người vẫn không dễ. Ảnh minh họa

Hay như anh Hoàng Minh (Đà Nẵng), hai vợ chồng muốn mua nhà ở xã hội để lập nghiệp tại Hà Nội. Nhưng khi nộp hồ sơ thì cả hai không đủ điều kiện về cư trú do quy định người ngoại tỉnh phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên. Do không đủ điều kiện nên hiện hai vợ chồng phải tính toán lại lộ trình sắp tới cho tương lai.

Trên thực tế, giá nhà ở xã hội đã có mức tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua. Hiện mức giá đã gần 20 triệu đồng/m2, dẫn đến người mua nhà phải trả quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng. Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng cần thiết phải điều chỉnh điều kiện mua nhà trong Luật Nhà ở hoặc Bộ Tài chính phải xem xét nâng mức chịu thuế thuế thu nhập cá nhân. Với các quy định về thu nhập đáp ứng điều kiện được mua nhà ở xã hội như vậy đang dẫn đến nghịch lý nhiều người không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao lại tìm đến mua nhà ở xã hội.

Mở rộng đối tượng được thụ hưởng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, lúc này là thời điểm cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng; nới một số điều kiện về cư trú, thu nhập để người có nhu cầu tiếp cận được và mua nhà ở xã hội dễ dàng hơn. Các điều kiện thủ tục như giấy tờ, thủ tục hành chính cũng nên được đơn giản, dễ dàng và giảm tối đa.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA). Ảnh: HoREA

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng cụ thể khác nhau với những tiêu chí phù hợp, cụ thể như người người có thu nhập thấp ở đô thị hoặc nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bày tỏ, cần xem xét cho đối tượng thu nhập trung bình thấp mua nhà ở xã hội – đây là đối tượng có nhu cầu rất cao. Đặc biệt, ông Lực cho rằng nên bỏ quy định yêu cầu đối tượng mua nhà là phải thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Bởi, quy định phức tạp, phát sinh thêm thủ tục và thời gian về giấy tờ, thủ tục hành chính để có xác nhận của cơ quan thuế về tình trạng không phải đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Hồ Anh Cương – Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, với mức chịu thuế thu nhập cá nhân dưới 11 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, với mức thu nhập này trong bối cảnh hiện nay chỉ đủ để chi tiêu cho gia đình nói chung mà rất khó sẽ có tích lũy. Trong khi muốn mua nhà ở xã hội bắt buộc phải có chút tích lũy và việc chưa có tích lũy thì có muốn mua nhà ở xã hội cũng khó, nhất là khi chính sách đưa ra còn khắt khe, và nhiều bất cập.

Nói như ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, Luật Nhà ở quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo được mua nhưng các đối tượng này thì lấy đâu ra tích lũy để mà mua. Do vậy, ông đề xuất cần xem xét đến các trường hợp yếu thế và tạo điều kiện để họ có thể mua nhà ở xã hội.

Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về nhu cầu nhà ở cho thấy, tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện nhà ở xã hội gần như tương đương nhau. Nhu cầu về nhà ở xã hội hiện đang cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội là 18%.

Con số này cũng chứng minh rằng Chính phủ chủ trương phát triển nhà ở xã hội là trọng tâm đang được xã hội nói chung và người lao động đón nhận. Ở góc độ khác, một số chuyên gia tài chính cho rằng, rất cần thiết tăng cường khả năng tiếp cận các gói vay ưu đãi cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Các nguồn vốn bố trí qua vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được nhà nước chỉ định.

Điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Đồng thời, triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cho vay với lãi suất thấp khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các quy định điều kiện vay cần thông thoáng, thủ tục đơn giản phức tạp đảm bảo cho việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp mặn mà hơn với phân khúc này.

Đề án "xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội" từ nay đến năm 2030 đang được triển khai. Thiết nghĩ, nếu việc này được tiến hành song song với việc mở rộng đối tượng và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người mua nhà ở xã hội thì hứa hẹn đây sẽ trở thành phân khúc chủ lực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top