Để phát triển bền vững đất nước, cần có nhiều doanh nghiệp dân tộc và doanh nhân văn hóa

Để phát triển bền vững đất nước, cần có nhiều doanh nghiệp dân tộc và doanh nhân văn hóa

Thứ Hai, 01/07/2024 - 06:05

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu một định hướng chính trị rất quan trọng: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc"[1].

Mục tiêu mà Đảng ta xác định là đến năm 2025, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Để thực hiện mục tiêu, khát vọng lớn lao đó, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế, thì một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém là cần chăm lo xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và doanh nhân văn hóa.

Để phát triển bền vững đất nước, cần có nhiều doanh nghiệp dân tộc và doanh nhân văn hóa- Ảnh 1.PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, TGĐ Đài TNVN; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương
Doanh nghiệp dân tộc hay doanh nghiệp có tính dân tộc được dẫn dắt bởi những doanh nhân văn hóa của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

********

1. Doanh nghiệp dân tộc

Khi thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở nước ta, cùng với các ông chủ người Pháp và người nước ngoài, một lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp, nông thôn ra các đô thị, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền. Dần dà, giai cấp công nhân được hình thành, một đội ngũ doanh nhân trong nước cũng xuất hiện. Các giai tầng trong xã hội Việt Nam lúc đó hoặc ít hoặc nhiều mang thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột, bị chèn ép. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XIX, cuộc vận động Duy Tân, còn gọi là Phong trào Duy Tân (1906 - 1908) do Phan Chu Trinh phát động và phong trào Đông Du (1905 - 1909) do Phan Bội Châu phát động đã tạo ra những biến chuyển nhất định về tầm nhìn và những cải cách xã hội.

Phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh chủ trương khôi phục đất nước bằng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Về lĩnh vực kinh tế, họ cùng nhau kinh doanh, tiền lãi dùng vào việc mở trường, nuôi thầy, cấp sách vở cho học sinh. Ở Quảng Nam có Hợp Thương Diên Phong của cử nhân Phan Thúc Duyên, hiệu buôn của bang tá Nguyễn Toản; ở Phan Thiết có Công ty nước mắm Liên Thành và Dục Thanh học hiệu của Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (con danh sĩ Nguyễn Thông); ở Nghệ An, có Triêu Dương thương quán do Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế thành lập.

Cùng thời kỳ đó, nước ta xuất hiện những doanh nhân là chủ của các doanh nghiệp nổi tiếng hơn như công ty của ông Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), tham gia một số lĩnh vực dịch vụ, buôn bán, vận tải, đóng tàu thủy, mở tuyến giao thông đường biển Nam Định - Hà Nội - Bến Thủy rồi lập công ty Giang Hải luân thuyền Bạch Thái, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore... Năm 1917, Hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, ông mua lại 6 chiếc tàu của hãng này. Ngày 7/9/1919, công ty Giang Hải của Bạch Thái Bưởi gây tiếng vang lớn khi cho hạ thủy tàu Bình Chuẩn tại Cửa Cấm (Hải Phòng) do người Việt Nam tự thiết kế, thi công. Ông Bạch Thái Bưởi được gọi là "Vua tàu thủy Việt Nam". Cùng với đó là doanh nghiệp của nhân sỹ, doanh nhân Ngô Tử Hạ (1882 - 1973), nổi tiếng với nghề in đứng đầu Đông Dương; là doanh nghiệp của ông Nguyễn Sơn Hà (1894 -1980) - ông tổ nghề sơn Việt; hay doanh nghiệp của ông Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972); doanh nghiệp của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) ở Hà Nội… Họ là những doanh nghiệp mang tính chất, phẩm chất của doanh nghiệp dân tộc, giàu lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, biết xả thân vì nghĩa lớn, làm rạng danh cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thuở ban đầu.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa ra đời. Không lâu sau đó, cả dân tộc phải cầm súng gươm suốt gần 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Từ năm 1975, đặc biệt là từ năm 1986, chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã vươn lên mạnh mẽ trên nhiều mặt. Trong kinh tế, nổi lên những doanh nghiệp mang tầm vóc quốc gia, dân tộc như các tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội Viettel, Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Tập đoàn FPT, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk, các tập đoàn Sovico, Trường Hải, Hòa Phát, BRG, TH, Đèo Cả, Gạch Đồng Tâm, Gốm sứ Minh Long và nhiều doanh nghiệp khác nữa…

Tuy nhiên, để những doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể vươn lên ngang tầm các doanh nghiệp lớn của thế giới như Sony, Honda, Toyota… (Nhật Bản); Samsung, Hyundai… (Hàn Quốc); Microsoft, Intel, Walmart. Walmart, Amazon, Exxon Mobil… (Hoa Kỳ); Volkswagen, Mercedes Benz… (Đức); Peugeot, Total... (Pháp); Gucci, Maserati… (Italia)…, chúng ta cần những nỗ lực và sáng tạo mạnh mẽ và lớn lao hơn. Nhìn vào các "ông lớn" vừa nêu, có thể nêu khái niệm về doanh nghiệp dân tộc của nước ta: Là doanh nghiệp Việt Nam, có tinh thần và niềm tự hào, tự tôn dân tộc; luôn đổi mới sáng tạo; sản phẩm có tính nội địa hóa ở mức cao; tạo ra giá trị gia tăng lớn, biết lan tỏa thương hiệu Việt, văn hóa Việt ở trong và ngoài nước. Doanh nghiệp dân tộc hay doanh nghiệp có tính dân tộc được dẫn dắt bởi những doanh nhân văn hóa của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Doanh nhân văn hóa

Khái niệm "doanh nhân" ở nước ta có thể xuất phát/hay bắt nguồn một phần từ khái niệm "thương nhân", trong quan niệm "sĩ, nông, công, thương", hiểu nôm na là "người buôn bán", "người đi buôn", phục vụ nhu cầu trao đổi vật phẩm, hàng hóa của cộng đồng, kiếm lời nhờ chênh lệch giá. Khi xã hội sản sinh và phát triển các ngành nghề thủ công, cơ khí nhỏ thì một bộ phận trong đó thoát dần ra khỏi nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ để trở thành một lực lượng sản xuất, buôn bán có trình độ cao hơn. Đến đầu thế kỷ XX, nước ta vẫn chưa có tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa. Đội ngũ (hay tầng lớp) doanh nhân chỉ thực sự xuất hiện khi xã hội chuyển sang nền sản xuất hàng hóa dựa trên phương thức và trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong bức thư gửi giới công - thương ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt". Về vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng". Người chỉ rõ: "Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...".[2]

Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, nhiều doanh nhân đã phát triển doanh nghiệp của mình theo hướng ích nước lợi nhà, làm vẻ vang giống nòi. Có thể nêu các doanh nhân tiêu biểu sau đây:

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà - "Ông tổ" ngành sơn Việt Nam, vừa giỏi kinh doanh, phát triển sản nghiệp, ông Nguyễn Sơn Hà vừa tích cực tham gia các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền Bá quốc ngữ, lập trường Dục Anh để nuôi dạy các em bé mồ côi. Trong "Tuần lễ vàng", ông và gia đình đã hiến toàn bộ nữ trang với khoảng 10,5kg cho cách mạng. Đặc biệt, sau khi người con trai cả Nguyễn Sơn Lâm - Đội trưởng Tự vệ Hải Phòng hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ông Hà và gia đình quyết định bỏ lại toàn bộ tài sản, nhà xưởng, đồn điền ở vùng bị địch chiếm để đi theo cách mạng. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV, V, có nhiều đóng góp cho đất nước như làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, lương khô cho bộ đội…

Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ được kế thừa truyền thống kinh doanh của hai bên nội ngoại ngay từ đầu thế kỷ 20, là chủ nhân của hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội và một số cơ sở khác. Cho đến giữa năm 1940, ông Bô bà Hồ được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, có cả nhà máy dệt và kinh doanh cả bất động sản. Ông bà luôn tâm niệm "buôn bán được 10 đồng thì giữ lại 7, còn 3 dùng để giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức". Tầng hai của hiệu buôn Phúc Lợi 48 Hàng Ngang từng là nơi hoạt động của nhiều cán bộ lãnh đạo, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Sau khi giành được chính quyền, ngân khố của Chính phủ mới chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng bạc Đông Dương rách nát. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân, nhất là các gia đình khá giả tham gia "Tuần lễ vàng", gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ cho chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương. Bên cạnh đó, vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ còn tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia "Tuần lễ vàng", nhờ đó quyên góp được 20 triệu đồng bạc Đông Dương và 370 kg vàng. Bà Hoàng Thị Minh Hồ nói những lời gan ruột: "Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, đóng góp hết rồi chúng tôi sẽ làm ra. Độc lập dân tộc không thể để mất, vì mất rồi thì bao giờ thế hệ sau mới lấy lại được".

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, gần 20 năm chống Mỹ xâm lược, sau gần 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, phát triển, giới doanh nghiệp, doanh nhân nước ta có nhiều nỗ lực, thành tựu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều doanh nhân và gia đình doanh nhân tiêu biểu đã xuất hiện, trưởng thành như Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingroup), Lê Viết Lam, Đặng Minh Trường (Tập đoàn Sun Group), Nguyễn Thị Phương Thảo (Công ty CP Sovico Holdings), Trương Gia Bình (Tập đoàn FPT), Mai Kiều Liên (Công ty Sữa Vinamilk), Nguyễn Thị Nga (Tập đoàn BRG), Trần Bá Dương (Tập đoàn Trường Hải); Lê Mạnh Hùng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Lý Ngọc Minh (Công ty sứ Minh Long), Thái Hương (Tập đoàn TH), Nguyễn Thị Mai Thanh (Công ty Cơ điện lạnh REE), Huỳnh Bích Ngọc (Tập đoàn TTC)…

Sau gần 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, phát triển, giới doanh nghiệp, doanh nhân nước ta có nhiều nỗ lực, thành tựu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ

Để phát triển mạnh mẽ, vững chắc đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW. Nghị quyết khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng vai trò của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, coi họ là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức; tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; nêu cao trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường. Phấn đấu có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Mang sẵn trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với tinh thần, bản lĩnh sáng tạo, vượt khó, đặc biệt là truyền thống yêu nước nồng nàn và thấm đẫm đạo lý thương người như thể thương thân, có thể nói giới doanh nhân dân tộc đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, thế hệ doanh nhân thời Đổi mới với truyền thống của giới doanh nhân dân tộc, được tiếp thêm sức mạnh bởi chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sẽ tận dụng thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, tự tin trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, Hà Nội, 2021, tr. 34

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 4, tr.53.

PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế kỷ từng là Ủy viên Trung ương Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam; Hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ Thuật Trung ương

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top