Aa

Đề phòng rủi ro thị trường chứng khoán có thể giảm trở lại

Chủ Nhật, 26/04/2020 - 06:00

Các công ty chứng khoán cho rằng cơ hội đầu tư vẫn còn nhiều, nhưng nhà đầu tư không nên giải ngân dàn trải, để đề phòng rủi ro thị trường có thể điều chỉnh giảm.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong tuần tới (từ 27 - 29/4), các công ty chứng khoán cho rằng cơ hội đầu tư vẫn còn nhiều, nhưng nhà đầu tư không nên giải ngân dàn trải, để đề phòng rủi ro thị trường có thể điều chỉnh giảm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nhận định thị trường chứng khoán đã lấy lại sự tích cực trong phiên cuối tuần, dù chưa phải là một xu hướng tăng hoàn hảo trên toàn thị trường nhưng có rất nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ như cổ phiếu ngành thép, điện hoặc nước cho thấy cơ hội còn rất nhiều trong hiện tại.

Do đó các nhà đầu tư có thể giải ngân hợp lý vào những ngành đang có câu chuyện tích cực hoặc các cổ phiếu tốt đang tích lũy.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho rằng với 3 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã kết thúc tuần với dấu hiệu tích cực khi hình thành vùng đáy sau cao hơn đáy trước.

Việc chấp nhận vào hàng kể cả khi lượng hàng T+ còn chưa được giải phóng cho thấy tâm lý lạc quan hơn của giới đầu tư, đây là cơ sở để thị trường còn tiếp tục tăng tiếp.

Tuy nhiên, theo MBS, để an toàn thì nhà đầu tư cũng nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng khác nhau, khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để.

Trong kịch bản tích cực, nhịp tăng ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp diễn với mục tiêu hướng tới vùng 796,3 điểm đến 803,63 điểm, tuy vậy vẫn sẽ có những nhịp rung lắc trong phiên.

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định trong ngắn hạn, thị trường ngày càng phân hóa rõ nét.

Nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên tăng điểm cơ cấu lại tài khoản, tập trung vào các cổ phiếu mạnh, không dàn trải danh mục trong giai đoạn này và giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý đề phòng rủi ro thị trường có thể điều chỉnh trở lại.

Cũng có quan điểm khá thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (27 - 29/4), VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 750 - 795 điểm trong bối cảnh cận kề nghỉ lễ.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên vùng kháng cự 780 - 800 điểm.

Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh 750 điểm để bắt đáy một phần.

Theo SHS, VN-Index điều chỉnh trở lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu của một chu kỳ suy thoái với điểm nhấn là giá dầu WTI lần đầu tiên rơi xuống mức âm trong phiên giao dịch đầu tuần theo giờ Mỹ. Diễn biến này khiến cho VN-Index giảm 3,5% giá trị vào phiên 21/4.

Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam cùng với việc gỡ bỏ cách ly toàn xã hội tại hầu hết các tỉnh thành từ 0 giờ ngày 23/4 đã giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước tương đối tích cực và VN-Index hồi phục nhẹ trong cả ba phiên cuối tuần.

Trên khía cạnh kỹ thuật, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 780 - 800 điểm (khoảng trống giảm giá giữa 2 phiên 11/3 và 12/3 - MA50) do áp lực bán tại đây là thực sự lớn. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua với khoảng 1.630 tỷ đồng trên hai sàn cũng là điểm tiêu cực cần lưu ý.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 20 - 24/4), VN-Index giảm 12,94 điểm (1,6%) xuống 776,66 điểm; HNX-Index giảm 3,489 điểm (3,2%) xuống 106,97 điểm.

Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.700 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm mạnh với hầu hết các mã trụ cột trong ngành đều đi xuống như VCB giảm 3,5%, CTG (4,5%), BID (3,7%), VPB (4,4%), MBB (5,6%)...

Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu họ Vingroup cũng giảm sâu với VIC giảm (3,2%), VHM (5,1%), VRE (9,6%). Bên cạnh đó, mã cổ phiếu đứng đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm 2,8%, cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là SSI giảm 2,4%...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng mạnh với mã tiêu biểu như VNM tăng 3,5%, SAB (8,8%), BHN (8,9%)...

Cổ phiếu ngành thép cũng hồi phục mạnh, các mã trụ cột như HPG tăng 6,8%, NKG tăng 8,9%, HSG tăng tới 12,4%...

Như vậy, thị trường đang có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Xu hướng tăng hoặc giảm cũng chưa rõ ràng khi trong mỗi phiên giao dịch, các chỉ số rung lắc mạnh.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên cuối tuần, nhưng tính cả tuần thì các chỉ số vẫn ở chiều giảm khi giới đầu tư tiếp nhận các số liệu kinh tế ảm đạm, báo cáo lợi nhuận trái chiều của các doanh nghiệp trong quý I/2020 và gói cứu trợ kinh tế mới nhất được Quốc hội Mỹ thông qua để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 260,01 điểm (1,1%), lên 23.775,27 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 38,94 điểm (1,4%), chốt ở mức 2.836,74 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 139,77 điểm (1,7%), lên 8.634,52 điểm.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones lại giảm 1,9%, S&P 500 hạ 1,3% và Nasdaq Composite lùi 0,2%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên của cả ba chỉ số này trong ba tuần qua.

Sự chao đảo của thị trường năng lượng, đặc biệt là khi chứng kiến giá dầu WTI của Mỹ lao dốc xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử đã khiến Phố Wall đi xuống liên tục trong hai phiên giao dịch đầu tuần và đi ngang trong phiên giao dịch liền sau đó.

Sự mất giá của thị trường dầu mỏ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán thế giới, bởi các nhà đầu tư lo ngại điều này có thể kết hợp với nguy cơ nền kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng hơn nữa.

Trong khi đó, hầu hết nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an do không chắc chắn khi nào nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top