Aa

Đê trăm tỷ nứt toắc, nghi vấn công trình bị rút ruột

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Bảy, 20/07/2019 - 03:04

Sau nửa năm đưa vào sử dụng, tuyến đê chạy qua xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết gãy lớn.

Theo phản ánh UBND xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, tuyến đê sông chạy qua địa bàn xã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2017 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, sau gần một năm đưa vào sử dụng tuyến đê này đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê sụt lún, xuất hiện nhiều vết gãy lớn chạy dọc mặt đê.

Ghi nhận thực tế tại tuyến đê này cho thấy, mặt đê xuất hiện hàng loạt vết gãy lớn chạy dọc mặt đê, nhiều vị trí vết nứt rộng đến 5cm. Đáng chú ý, có đoạn vết nứt chạy dài đến 200m ngay mặt đê và không ngừng mở rộng, tại những điểm nứt này cây cối đã mọc lên xanh tốt.

Không những tại vị trí mặt đê bị nứt gãy mà ngay tại nhiều điểm tránh và quay đầu xe tình trạng nứt gãy và sụt lút cũng xuất hiện rất nhiều.

Ông N.T., người dân xã Hoằng Phong cho biết: “Giữa năm 2018, tuyến đê này được hoàn thành, nhưng sau ba tháng đưa vào sử dụng mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ, sau dần những vết nứt này càng mở rộng ra và kéo dài hàng trăm mét.

Các anh nhìn thấy đấy, không biết công trình này được đầu tư bao nhiêu chục tỷ đồng và được nghiệm thu hay chưa nhưng với chất lượng công trình như vậy thì chẳng bao lâu nữa thì tuyến đê này sẽ hỏng hết”.

Cũng theo người dân xã Hoằng Phong cho biết, trong quá trình thi công tuyến đê này, nhà thầu đã dùng đất bùn thải để san lấp mặt đê. Khi bị người dân phát hiện và báo lên chính quyền địa phương thì nhà thầu mới dừng lại và sử dụng loại đất đúng tiêu chuẩn.

Để chứng minh cho phản ánh của người dân xã Hoằng Phong là có cơ sở, đúng thực tế. PV đã liên hệ làm việc với ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) và được ông Thọ thừa nhận: “Thực tế, UBND xã Hoằng Phong không nắm bắt được dự án được đầu tư bao nhiêu và thiết kế như thế nào? Tuy nhiên, trong quá trình thi công, người dân phát hiện nhà thầu sử dụng đất đá thải kém chất lượng để thi công mặt đê nên báo lên UBND xã.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường và ghi nhận thực tế cho thấy nhà thầu đã sử dụng loại đá kém chất lượng để san nền có chiều dài hơn 200m. Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng được 3 tháng thì mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt gãy. Sau nhiều lần họp trên huyện, tôi đều báo cáo với lãnh đạo huyện để tìm phương án cũng như cách khắc phục các vết nứt trên bề mặt đê. Hiện tại, tuyến đê này vẫn chưa được chủ đầu tư nghiệm thu bàn giao. Sau khi xuất hiện những vết đó đến nay, vẫn chưa thấy chủ đầu tư hay đơn vị thi công về đây để tìm phương án khắc phục”.

Ông L.T., người dân xã Hoằng Phong cho biết: “Đất, đá đó lấy từ đâu về đây thì chúng tôi không biết, chỉ biết đất, đá chở về đây để đắp con đê này chất lượng không đảm bảo, đất có màu đen cùng pha trộn rễ cây. Ngay sau đó, chúng tôi đã báo sự việc trên với chính quyền địa phương cũng như đơn vị thi công, sau đó đại diện chính quyền địa phương có ra hiện trường kiểm tra. Sự việc tiếp theo như thế nào thì chúng tôi không được biết”.

Ông Khương Anh Tấn, Phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết, tuyến đê chạy qua địa bàn xã Hoằng Tân, Hoằng Châu và Hoằng Phong huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng, đơn vị thi công là Liên doanh Công ty cổ phần xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Thanh Hóa – Công ty cổ phần xây dựng và thương mại số 7 TH và Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Thanh Hóa.

Đoạn đê chạy qua xã Hoằng Phong thuộc dự án, thuộc gói thầu số 7B1: Xây dựng công trình tu bổ, khôi phục và nâng cấp đê cửa sông Mã đoạn từ K58+075-K61+870,9, có tổng chiều dài là 3,4 km với mức đầu tư 27.976.252.000 đ. Dự án này nằm trong gói dự án: Tu bổ, khôi phục và nâng cấp đê cửa sông Mã đoạn từ K55+769-K62+676.

“Sau khi có phản ánh của người dân và phóng viên về tình trạng nứt gãy tại tuyến đê xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tôi đã trực tiếp xuống hiện trường và chỉ đạo các phòng ban liên quan khắc phục, sửa chữa các vết gãy. Đảm bảo an toàn cho tuyến đê trước mùa mưa bão”, ông Khương Anh Tấn cho biết thêm.

Người dân đặt nghi vấn, tuyến đê trăm tỷ bị xuống cấp trầm trọng có dấu hiệu bị rút ruột hoặc thi công không đảm bảo kỹ thuật? Trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai? Chúng tôi sẽ làm rõ trong bài viết tới.

Dưới đây là một số hình ảnh tuyến đê trăm tỷ xuống cấp được phóng viên nghi nhận vào ngày 10/7:

.
.
.
.
.
.
.
.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top