Aa

Ðể tránh vi phạm hợp đồng trong hoạt động vay tiêu dùng

Thứ Hai, 06/04/2020 - 16:41

Thời gian qua, có không ít người dân, doanh nghiệp, thậm chí là cơ quan chức năng đã có cái nhìn không tích cực đối với hành vi thu hồi nợ phản cảm của một số công ty tài chính (CTTC) trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế ở một chiều ngược lại, cũng có nhiều trường hợp đòi nợ của các CTTC đúng quy định của pháp luật, song nhân viên lại bị khách hàng hành hung, gây thương tích nghiêm trọng.

Theo ghi nhận từ phía cơ quan chức năng, năm 2019 đã có không ít sự việc nhân viên của các CTTC bị hành hung gây thương tích nặng. Ðiển hình là sự việc cơ quan Cảnh sát Ðiều tra Công an huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk mới đây tiếp nhận vụ việc anh Ðặng Hồng Ng., nhân viên thu hồi nợ của một công ty tài chính trên địa bàn trong quá trình làm việc, tiếp xúc khách hàng để thu hồi khoản tiền nợ quá hạn đã bị người nhà khách hàng cầm đầu một nhóm người hành hung gây thương tích nghiêm trọng. Vụ việc này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích, quy định tại khoản 1, Ðiều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Không chỉ xảy ra với hoạt động thu hồi nợ của các CTTC tiêu dùng, mà ngay cả với quan hệ vay mượn khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do kiến thức về tài chính tiêu dùng của người dân Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước lân cận như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan,… dẫn đến ý thức thanh toán và trách nhiệm đối với khoản vay chưa cao. Bên cạnh đó, mục đích sử dụng khoản vay không minh bạch, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Mặt khác, trong rất nhiều trường hợp, nguyên nhân còn xuất phát từ phía khách hàng như tới hạn không thanh toán, chây ỳ, trốn nợ, thay số điện thoại, thậm chí chuyển khỏi nơi cư trú... gây khó khăn cho các CTTC trong việc thu hồi nợ, gây mâu thuẫn giữa người đi vay và bên cho vay, tạo cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện cảm với ngành tài chính tiêu dùng.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh (Ðoàn luật sư Hà Nội), hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và CTTC là hợp đồng dân sự giữa các bên với nhau và các vi phạm đều thỏa thuận trong hợp đồng, do đó, sẽ áp dụng pháp luật dân sự cũng như các luật liên quan để xử lý nếu xảy ra vi phạm. Hiện tại, luật cho phép các CTTC gia hạn nợ cho khách hàng. Vì vậy, nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ, khách hàng có thể đề xuất với lý do hợp lý để các CTTC xem xét, tạo điều kiện giãn nợ. Trong thời gian gia hạn, lãi suất gia hạn bằng với lãi suất trong hợp đồng tín dụng và khi hết gia hạn, nếu như khách hàng không trả được nợ, sẽ bị chuyển thành quá hạn với mức tối đa bằng 150% lãi suất trên hợp đồng. Trong trường hợp khách hàng vẫn tiếp tục không trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện vụ án và yêu cầu tòa án buộc bên vay phải trả tiền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Ðoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết thêm, nếu bên vay bỏ trốn hoặc sử dụng số tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng hoàn trả khoản nợ đó thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong những trường hợp cố tình chây ỳ không trả nợ, lại cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là những hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, tổn hại đến sức khỏe của họ như: đâm, chém..., sẽ phải chịu sự xử phạt nghiêm minh của pháp luật. 

Ngoài ra, về nguyên tắc có vay, có trả, nợ vay tiêu dùng khách hàng phải có trách nhiệm với khoản vay của mình. Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải tìm phương án trả nợ và có những thỏa thuận hợp lý mà bên CTTC có thể chấp nhận được để tránh mâu thuẫn, tranh chấp căng thẳng có thể xảy ra... Do đó, để tránh những hệ lụy không đáng có, khách hàng cần cân nhắc kỹ, không nên vay khi không thật sự cần thiết hoặc đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. 

Và quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh, hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ. Lịch sử tín dụng tốt sẽ hỗ trợ cho khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận việc vay vốn với nhiều kênh khác nhau và được hỗ trợ nhanh chóng hơn.

Đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng, đến nay có thể khẳng định thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang chuyển sang phát triển sâu và vững chắc hơn, nhất là sau khi Thông tư 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC đối với khách hàng. Bản thân các CTTC cũng đang chủ động kiện toàn để hoàn thiện theo hướng minh bạch, hạn chế rủi ro, an toàn hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Ðánh giá về thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, chắc chắn sẽ phát triển mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh khi có sự chủ động về trách nhiệm của cả hai bên là người đi vay - khách hàng và bên cho vay - CTTC trong việc trả nợ và giải ngân vốn. Trong đó, mỗi khách hàng - người đi vay phải luôn ý thức được trách nhiệm trả nợ trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng.

"Lời khuyên của tôi cho những người đi vay là hãy có trách nhiệm của mình với tổ chức đi vay. Số tiền trả cho món vay không quá 60% thu nhập của họ hằng tháng. Chính bản thân người vay khi đã tính toán, xác định được khả năng cũng như tiến độ trả nợ, chắc chắn sẽ góp phần giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển và sẽ bền vững hơn", ông Hiếu lưu ý thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top