Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước

Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước

Thứ Năm, 20/06/2024 - 09:26

Vị thế của văn hóa đã được khẳng định qua chặng đường dài phát triển của dân tộc. Văn hóa thể hiện trong toàn bộ đời sống, ý chí đoàn kết giành độc lập của dân tộc. Văn hóa nằm trong cả đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, lan tỏa trong tâm hồn người Việt và ra thế giới.

*****

Con đường văn hóa

Văn hóa là hành vi của con người với thiên nhiên, với con người xung quanh và với các quốc gia khác biệt về chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo. Sau năm 1975, tôi từng tiếp xúc với nhiều cựu binh Mỹ, các giáo sư, chính khách Mỹ, họ khẳng định, phát hiện lớn nhất về đất nước Việt Nam qua cuộc chiến tranh là văn hóa con người Việt. Nếu không có tình yêu dân tộc, không có lòng tự trọng dân tộc, không có khát vọng hòa bình và những hành động cho khát vọng đó, người Việt Nam đã thất bại trước những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới ở những giai đoạn lịch sử đó. Tất cả những điều kỳ diệu này được sinh ra từ văn hóa.

Phát triển kinh tế để đáp ứng những điều kiện cơ bản cũng như nhu cầu ngày càng cao của con người, hướng tới cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại. Nhưng con đường phát triển của đất nước phải song hành với con đường văn hóa, như lời Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

Đối với mỗi một xã hội, khi những giá trị văn hóa được coi trọng thì trật tự xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được đề cao và ngược lại. Khi những giá trị văn hóa không được vun đắp, trân trọng, đó sẽ là lực cản rất lớn đối với quá trình phát triển. Lo sợ nhất của nhân loại là khi thế giới trở thành “thế giới phẳng”, nhiều biên giới về chính trị, kinh tế, xã hội, địa lý… bị xóa nhòa. Nhưng một biên giới không bao giờ bị xóa nhòa là văn hóa. Chỉ văn hóa mới xác lập được đó là dân tộc Việt, khẳng định được tính chủ quyền. Nếu lãnh thổ văn hóa bị xóa nhòa thì nền độc lập của bất cứ quốc gia nào cũng bị đe dọa. Người ta có thể đòi lại lãnh thổ địa lý trong một đêm, nhưng khi đã đánh mất lãnh thổ văn hóa thì có thể hàng trăm năm sau mới giành lại được.

Xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Những nhà chiến lược sẽ phải hoạch định để phát huy sức mạnh toàn dân. Cần phải có những hành động cụ thể để khẳng định giá trị của văn hóa, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Chấn hưng văn hóa

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, các văn kiện của Đảng luôn nhấn mạnh phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng. Trong quá trình phát triển đất nước, không thể không coi trọng và phát huy những giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, việc ưu tiên đầu tư, dành sự quan tâm xứng đáng về văn hóa ở ta hiện nay chưa cân bằng với các lĩnh vực khác. Chúng ta đã tập trung đầu tư rất nhiều về kinh tế, nhưng với văn hóa, dường như chưa làm được nhiều. Cũng chính vì vậy đã nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, cả trong gia đình, nhà trường, xã hội…, và cả chính ở trong các cơ quan, công sở. Thực tế này cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, chúng ta đang có phần lơ là trong việc giáo dục, bảo vệ văn hóa từ những người dân bình thường trong xã hội cho tới những người cán bộ, quản lý.

Văn hóa đang gặp thách thức trong lối sống, khát vọng, ứng xử của con người, cách nhìn nhận thế giới và sứ mệnh của dân tộc. Có những giá trị văn hóa đang bị tấn công, thậm chí bị lãng quên. Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong vài chục năm trở lại đây, nhận thức về văn hóa của không ít người Việt, đặc biệt là những nhà quản lý văn hóa ở nhiều cấp, rất sai lệch. Họ nghĩ rằng văn hóa chỉ là giải trí, vui chơi. Nhiều hoạt động trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trong đời sống đã rời xa sứ mệnh giáo dục thẩm mỹ, hun đúc ý thức lịch sử… mà rơi vào những thỏa mãn thời thượng. Chính vì quan niệm và cách điều hành đó mà xã hội đang chuyển dịch (cho dù rất chậm) về sự hưởng thụ tầm thường, rời xa cội gốc của nền tảng đức hạnh xã hội.

Chúng ta phải hướng dẫn, tạo nền tảng cho thế hệ trẻ hiểu cách tiếp nhận văn hóa. Văn hóa là sự sâu thẳm bên trong, là cách ứng xử, ý thức về gia đình, xã hội, con người, chứ không phải chỉ là giải trí, showbiz. Ở Phương Tây, việc đọc sách, nghe giao hưởng, đi bảo tàng, bàn luận những vấn đề hôn nhân, bảo vệ thiên nhiên… đều được đặt lên như trọng trách lớn.

Phải có hành lang pháp lý với những hành vi đang có nguy cơ xâm lấn đời sống tinh thần người Việt. Và cũng cần thay đổi cả tư duy của những người quản lý. Phải nhận ra nguy cơ, ngày nào đó văn hóa bị chìm lấp, những thứ vô giá trị sẽ ập xuống đầu chúng ta, cái ác tràn ngập.

Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

Xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Những nhà chiến lược sẽ phải hoạch định để phát huy sức mạnh toàn dân. Cần phải có những hành động cụ thể để khẳng định giá trị của văn hóa, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước. Phải hàng ngày lan tỏa, quảng bá, ngay từ trong cách lựa chọn con người trong hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, bởi họ là những người điều hành công việc của đất nước.

Một người có tri thức nhưng sống vô cảm, ích kỷ sẽ không thể làm quản lý. Bổ nhiệm cán bộ cần phải dựa trên nền tảng văn hóa, có tri thức văn hóa, có sự chia sẻ, hy sinh, không vụ lợi, thấu hiểu. Nếu làm được điều đó, ta sẽ bớt được rất nhiều cán bộ lãnh đạo nhúng chàm vì tham nhũng hôm nay.

Cũng đừng bỏ quên quảng bá văn hóa. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa nhưng chưa quảng bá, mà chỉ điểm qua trong những đợt ngoại giao. Điều đó không mang lại nhiều giá trị. Quảng bá văn hóa phải là một chiến lược.

Để vứt một túi rác xuống nơi công cộng, người ta chỉ mất một giây; nhưng để tạo được thói quen văn hóa cúi xuống nhặt túi rác, có lẽ sẽ là quá trình kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí là nhiều thập kỷ. Chúng ta vẫn đặt hy vọng vào việc hình thành những điều tốt đẹp như vậy, như một nhà văn nào đó đã từng nói: Chạm đến niềm tin, ánh sáng sẽ về. Tôi tin chắc vào điều đó.

Trong những thời điểm tưởng như là khó khăn nhất, lòng tin vào một tương lai tươi sáng trong tâm hồn người Việt lại trở nên mạnh mẽ hơn. Sự đặc biệt ấy xuất phát từ nền tảng của một dân tộc dường như đã quen với những khó khăn, thách thức trong hành trình ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Coi trọng văn nghệ sĩ

Văn nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật để bảo tồn và lan tỏa những vẻ đẹp, giá trị của văn hóa. Họ làm cho văn hóa được đời sống hóa một cách sống động. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng, văn hóa không bất động; văn hóa không phải là những thứ để ngắm nhìn hay thờ cúng, mà nó là một đời sống. Và văn hóa luôn luôn được cộng vào những vẻ đẹp, những giá trị mới của các thời đại.

Văn nghệ sĩ phải trở thành những hạt nhân, tiên phong trong chiến lược văn hóa. Việc nhận thức chính xác vai trò của văn nghệ sĩ, việc tạo điều kiện mọi mặt và điều quan trọng nhất là giải phóng tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ sẽ là yếu tố then chốt trong việc bảo tồn và thúc đẩy những giá trị văn hóa truyền thống hòa vào đời sống đương đại và phát triển đất nước. Nếu không có các văn nghệ sĩ với những tác phẩm chất lượng, thì mọi chiến lược văn hóa mãi mãi ở trong phạm vi của văn bản.

Văn học là những văn bản ngoại giao đặc biệt, mang tinh thần của ngoại giao, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước, nhưng có tính lan tỏa khác biệt và phi biên giới. Các nhà văn Việt Nam, trên tác phẩm và phát ngôn của mình tại tất cả các diễn đàn trong nước và quốc tế phải bày tỏ được điều đó. Không chính trị hóa một cách thô thiển, nhưng trong tác phẩm văn học, nhà văn phải làm cho dân tộc mình trở nên đẹp đẽ, kiêu hãnh, đầy tư cách và khát vọng. Bất kỳ dân tộc nào cũng không được coi thường điều đó, kể cả một dân tộc lớn hơn về quân sự, kinh tế.

***

Người làng Chùa tôi có câu: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không thấy đường”. Nghĩa là, nếu không có một đời sống đảm bảo, chúng ta không thể tồn tại, cũng khó làm điều tốt đẹp khi đang phải vật lộn kiếm từng miếng ăn. Nhưng khi có ăn rồi mà không có chữ, tức là văn hóa, thì chúng ta chỉ có thể luẩn quẩn trong bóng tối mà thôi.

Những điều này, người Việt Nam đã nói, các triết gia, các dân tộc trên thế giới cũng đã nói. Vậy nên, văn hóa là một điều vô cùng hệ trọng. Chỉ có văn hóa mới giúp con người chạm vào hạnh phúc và những giá trị sống đích thực. Một dân tộc vừa phát triển được kinh tế, vừa bảo vệ và giữ gìn văn hóa, thì đó là một dân tộc hạnh phúc. Chúng ta phải gìn giữ những điều cốt lõi nhất của văn hóa truyền thống trong sự vận động không ngừng của văn hóa.

Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước- Ảnh 3.

Chúng ta phải giữ gìn điều cốt lõi nhất của văn hóa truyền thống trong sự vận động không ngừng của văn hóa. (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh).

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top