Aa

Đề xuất 1 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế qua hỗ trợ lãi suất

Thứ Tư, 10/11/2021 - 06:30

Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, hai năm khoảng 40.000 tỷ. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đưa vào nền kinh tế.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận chiều nay (9/11), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhiệm vụ thu - chi NSNN năm 2021 đã hoàn thành, thu NSNN vượt dự toán đề ra, chi ngân sách đảm bảo bám sát dự toán và bội chi NSNN đảm bảo theo quy định, 4% GDP theo nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng như phòng chống dịch bệnh với tổng mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt.

Đối với dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết dư địa không còn nhiều, vì giai đoạn 2016 - 2020, tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng, thì giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến vay 3.068.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.

Bộ Tài chính rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển.

“Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, hai năm khoảng 40.000 tỷ. 

Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đưa vào nền kinh tế, sau đấy thì thúc đẩy, tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Rút kinh nghiệm từ hỗ trợ lãi suất năm 2009 giá trị 1 tỷ đồng dẫn đến nợ xấu, Bộ trưởng cho biết, thay vì hỗ trợ trên diện rộng và dàn trải sẽ hạn chế lại, đối tượng tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư, tăng thêm giá trị cho nền kinh tế. Đặc biệt là các đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đủ điều kiện vay và thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng và chính xác, chặt chẽ.

Đối với ý kiến của ĐBQH liên quan đến thu NSNN năm 2022 chỉ 3,4% và tỷ lệ huy động chỉ 15,1%, thấp hơn so với kế hoạch, Bộ trưởng cho biết, có những giai đoạn đột xuất bất thường, các cơ chế chính sách thay đổi, tốc độ thu NSNN không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP.

Thực tế, giai đoạn 2011 - 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,25% thì thu NSNN chỉ đạt 2,2%, hay năm 2020 GDP tăng 2,91% nhưng thực tế thu nội địa chỉ đạt 1,6% trong đó, khu vực DN giảm 2% so với cùng kỳ. Bộ đã thảo luận với các bộ, ban ngành và các địa phương rất kỹ, nên mong ĐBQH ủng hộ. 

Ba vấn đề cần khắc phục

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội vừa qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu, đặc biệt đã cho thấy những điểm khiếm khuyết cần phải điều chỉnh kịp thời cho một tương lai để bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội

Ba bài học sâu sắc được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập. Cụ thể, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng đang còn thiếu và yếu, dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống nhân dân. 

Thứ hai, năng lực quản trị xã hội, quản lý Nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ. 

Thứ ba, chúng ta thấy sức mạnh, vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần phải có sự kết hợp và hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. 

Đây là 3 vấn đề cần phải khắc phục trong thời gian tới. 

Theo Bộ trưởng, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại của nền kinh tế, số ca nhiễm mới có thể tăng lên, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vắc xin đang còn thấp. 

Trong bối cảnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, kiên định và giữ vững lập trường quan điểm đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, không e ngại, hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng cũng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top