Aa

Đề xuất bổ sung phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ Sáu, 23/06/2023 - 14:29

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung phương thức “Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” để phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại tài sản và thực tế hiện nay.

Theo dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thay thế Nghị định số 33/2019/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung phương thức “Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” để phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại tài sản và thực tế hiện nay.

Bộ Tài chính cho biết, về các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP quy định về các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm: (i) Trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; (ii) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (iii) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (iv) Phương thức khai thác khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Để phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại tài sản và thực tế hiện nay, dự thảo Nghị định này bổ sung phương thức "Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ". 

Đối với phương thức khai thác khác, dự thảo quy định cụ thể thẩm quyền lập, phê duyệt Đề án khai thác và Mẫu Đề án khai thác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.

Đồng thời dự thảo quy định cụ thể về phạm vi của các phương thức khai thác bao gồm cả trường hợp khai thác toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản; trường hợp khai thác một phần của từng tài sản thì phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại.

Dự thảo cũng đề xuất bỏ quy định không cho thuê đối với một số tài sản là đường, cầu, hầm...

Bổ sung nội dung của phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Căn cứ quy định tại Điều 82 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thực tế hiện nay, dự thảo Nghị định này bổ sung quy định về nội dung của phương thức khai thác "Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ".

Cụ thể, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho doanh nghiệp thực hiện trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản được xác định cụ thể trong từng Hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa không quá thời gian sử dụng còn lại của tài sản theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí theo quy định của pháp luật và không thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quy định.

Điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá khai thác tài sản

Dự thảo quy định cụ thể điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá khai thác tài sản phải đáp ứng điều kiện: (i) Có ngành nghề kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp với việc quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và có kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình hạ tầng giao thông đường bộ tối thiểu đủ 02 năm tính đến thời điểm nhận hồ sơ tham gia đấu giá; (ii) Báo cáo tài chính của doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong 02 năm liền kề theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán theo quy định hoặc văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế.

Trường hợp việc cho thuê quyền khai thác tài sản là các công trình hạ tầng kỹ thuật (như đường dây, cáp, đường ống) và các công trình khác lắp đặt vào đường bộ thì doanh nghiệp tham gia đấu giá thuê quyền khai thác tài sản không cần thiết phải đáp ứng điều kiện (i) nêu trên. Trường hợp khai thác tài sản theo phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tài sản thì có thêm điều kiện: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư của dự án nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Dự thảo cũng bổ sung quy định hình thức thanh toán đối với phương thức cho thuê quyền khai thác gồm hình thức trả tiền thuê một lần cho toàn bộ thời gian thuê, hình thức trả tiền thuê hàng năm; bổ sung quy định thời hạn thanh toán đối với trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê một lần cho toàn bộ thời gian thuê và trường hợp chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản (giá trị hợp đồng khai thác được thanh toán tối đa 02 lần trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, trường hợp giá trị trên 1.000 tỷ đồng thì được thanh toán tối đa 03 lần trong vòng 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng); bổ sung điều kiện điều chỉnh hợp đồng, chấm dứt hợp đồng.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top