Tại Hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP. Hà Nội mới được tổ chức, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng, đã đề xuất 3 giải pháp hạn chế tăng dân số cơ học vào nội đô TP. Hà Nội, trong đó có giải pháp chỉ bán, cho thuê chung cư cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu tại phường, quận có dự án. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị không ít chuyên gia đánh giá là "bất khả thi" và vấp phải phản đối khá gay gắt từ dư luận.
Trao đổi với Reatimes, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho hay: "Tôi cho rằng, đây là một đề xuất chưa hợp lý. Bởi chúng ta cũng biết, theo Luật Cư trú quy định thì người dân có quyền tự do lựa chọn nơi cư trú. Theo đó, đề xuất này không thực tiễn, không khả thi, thậm chí là vi phạm Luật cư trú. Hơn nữa, trong tương lai, Việt Nam sẽ bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu".
Theo TS. Quảng, trước đây, Hà Nội từng có quy định ngừng đăng ký xe máy ở 7 quận nội thành, người dân muốn đăng ký xe thì lại ra ngoại thành nhờ người khác đứng tên. Điều đó cho thấy trước nhu cầu cao dù có quy định thì người dân cũng sẽ có thể tìm mọi cách để thay đổi quy định. Và đề xuất bán nhà cho người có hộ khẩu nội đô thì ai dám chắc người có hộ khẩu ngoại đô sẽ không nhờ người khác mua nhà?
Cùng quan điểm, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cũng cho rằng, đê xuất này không hợp lý và đang đi ngược lại những mục tiêu là bình đẳng, xóa hộ khẩu. Chắc chắn nếu thực hiện đề xuất cấm người không có hộ khẩu tại đó mua nhà thì cũng sẽ xảy ra hiện tượng đứng tên người khác để nhờ mua, điều này vô hình chung khiến cho việc quản lý nhà ở, an ninh trật tự, hành chính các quận huyện còn khó hơn.
Theo đó, PGS. Đăng Ngọc Dinh cho rằng: "Giải pháp tốt nhất là thực hiện một cách đồng bộ nhất các phương án là chuyển các trụ sở, các trường học, bệnh viện ra ngoại thành. Nên hướng phát triển các đô thị vệ tinh Hà Nội, thêm các chính sách thu hút dân cư ra ngoại thành, làm sao để đô thị phát triển đa tâm thay vì đang một tâm như hiện nay".
Ở góc nhìn luật pháp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw, cho hay, căn cứ Điều 23 Luật Hiến pháp, công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước. Tại khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú, việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là hành vi bị cấm.
Theo đó, các hành vi này bao gồm: (a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu mà làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và (b) Đưa ra các quy định về hộ khẩu làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Mặc khác, tại Điều 4 Luật Nhà ở quy định: Hộ gia đình, cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 5 Luật Nhà ở, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu theo quy định của Luật này. Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở, đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì các chủ thể này có quyền bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở.
Do đó, xét dưới góc độ pháp lý, tổ chức, cá nhân Việt Nam có quyền mua và sở hữu nhà, thuê và cho thuê nhà tại các dự án chung cư cao tầng mà không bị hạn chế về hộ khẩu. Việc căn cứ vào hộ khẩu để hạn chế quyền mua và sở hữu nhà, thuê và cho thuê nhà tại các dự án chung cư cao tầng là vi phạm pháp luật.
Được biết, Hà Nội đã có Quyết định 11/2016/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội. Quyết định này cho phép nghiên cứu xây dựng các công trình cao tầng ở một số vị trí như: Các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố trung tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị; các dự án tái thiết khu đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng tại các khu chung cư cũ, quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Theo đó, sẽ có các nguyên tắc trong nghiên cứu xây dựng cũng như quản lý công trình cao tầng, đồng thời cũng quy định cụ thể từng khu vực được xây dựng công trình cao tầng với số tầng và chiều cao tối đa là bao nhiêu, điều kiện xây dựng ra sao... Giới chuyên gia nhận định, với quyết định này, phần nào sẽ hạn chế các tòa chung cư cao tầng trong nội đô, giảm được dân số vào nội thành cũng như giải quyết được bài toán ùn tắc bây lâu nay tại Hà Nội./.