Aa

Môi giới bịa chuyện ly dị, vỡ nợ để quảng cáo bán nhà

Thứ Hai, 29/10/2018 - 14:01

Môi giới bịa chuyện ly dị, vỡ nợ để quảng cáo bán nhà; Tăng giá đất: Người mua nhà ở thiệt thòi; Điều tra sai phạm Ngân hàng Đông Á liên quan đến đất vàng; Gần 500 căn nhà xã hội Đà Nẵng sử dụng, sang nhượng trái quy định;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Môi giới bịa chuyện ly dị, vỡ nợ để quảng cáo bán nhà

"Tặng ngay 100 triệu đồng nếu nói điêu", "hãy quên bitcoin đi, đây mới là kênh đầu tư sinh lời vô tận..." là đoạn mở đầu một vài mẩu tin rao bán bất động sản trên website được anh Tuấn - một môi giới tại Hà Nội viết để quảng cáo dự án căn hộ chung cư và nghỉ dưỡng.

Anh chia sẻ, mỗi ngày trên website này có hàng nghìn tin rao, nếu không mở đầu thực sự ấn tượng thì sẽ chẳng thu hút được khách hàng đọc bản tin, chứ chưa nói đến việc người mua sẽ gọi điện liên lạc. 

Anh Toàn, nhân viên kinh doanh sàn bất động sản tại Hà Nội đang bán một dự án đất nền tại Bình Dương. Trong mẩu tin rao bán, Toàn nhấn mạnh bằng chữ in hoa về nội dung cam kết mua lại sau một năm với lãi suất "cực khủng".  Khi trao đổi cụ thể thì anh này cho biết, mức cam kết lợi nhuận trên sẽ vào khoảng 30% trong vòng một năm. Tuy nhiên, đây chỉ là cam kết miệng, không có ghi điều khoản trong hợp đồng mua bán với khách hàng.

Môi giới tư vấn khách hàng tại một dự án mở bán ở TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Môi giới tư vấn khách hàng tại một dự án mở bán ở TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

"Nội dung quảng cáo là cách để thu hút khách quan tâm. Có thể họ không mua dự án đó nhưng ít nhất mình sẽ thu được dữ liệu về việc họ đang có nhu cầu với sản phẩm đó hoặc loại bất động sản tương tự", anh Toàn nói. 

Trước đây, một trong những "mánh" của môi giới để hút khách khi đăng tin rao vặt là giới thiệu bán suất ngoại giao, cắt lỗ. Tuy nhiên, gần đây một số môi giới để bán được hàng còn đưa đủ các lý do mùi mẫn như cần tiền chữa bệnh, vợ ngoại tình, sắp vỡ nợ, thậm chí thua bài bạc,... Cách đây không lâu, ở một mẩu tin quảng cáo bán nhà, người rao tin trình bày lý do "vợ chồng sắp ly dị, cần bán nhà gấp giá rẻ". Tuy nhiên, thực tế khi liên hệ với số điện thoại thì người rao bán lại là một môi giới và cũng chẳng có vụ ly hôn nào đằng sau việc rao bán căn nhà đó. 

"Đưa ra một lý do sốc để khách nghĩ rằng có thể cần bán lại nhà thật gấp thì sẽ mua được giá tốt, ít nhất là thu hút được họ đọc mẩu tin", môi giới này nói. 

Xem chi tiết tại đây.

Đây là điều mà hàng chục nghìn người mua chung cư đang lo lắng

Bàn về vấn đề này GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết đa số các khách hàng đều nghĩ rằng, sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn, hết đời bố mẹ sẽ để lại cho con cháu sinh sống. Tuy nhiên, nhà chung cư chỉ có niên hạn sử dụng trong một thời gian nhất định. Đến hết thời hạn sử dụng, chủ sở hữu sẽ phải tự đập đi, cải tạo và xây mới hoặc giao lại cho cơ quan chức năng.

"Thực tế, các khu nhà tập thể hay chung cư cũ đang được cải tạo theo hướng nâng số tầng lên để nhà đầu tư có lợi nhuận vào làm. Nhưng đấy là đối với những khu nhà chỉ có 4 - 5 tầng và ở vị trí "đất vàng". Còn những khu nhà tập thể cũ ở xa trung tâm, việc cải tạo cũng đã rất khó khăn. Vì thế, đối với những tòa nhà 40 - 50 tầng như hiện nay thì khó có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào cải tạo", ông Võ nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, việc chung cư hết niên hạn là bài toán của tương lai, khi đó sẽ có những chính sách mới để xử lý. Niên hạn sử dụng của các tòa nhà chung cư hiện nay là 30 năm, 50 năm, hay 70 năm. Hết thời hạn này, nếu chung cư vẫn chất lượng tốt vẫn cho sử dụng tiếp, nhưng phải có kiểm định lại đảm bảo an toàn. Nếu chung cư hư hỏng, xuống cấp phải cải tạo lại. Nếu chung cư xuống cấp nặng, nghiêng, lún thì phải di dời, phải bỏ tiền ra xây mới.

"Ví dụ chung cư có diện tích 1.000m2 sau 50 năm sử dụng lúc này đã xuống cấp, buộc phải cải tạo lại hoặc xây mới. Khi đó 100 hộ gia đình sở hữu tại đây, sẽ ngồi lại với nhau họp bàn mỗi nhà góp 2 tỷ đồng, tổng là 200 tỷ đồng xây dựng lại chung cư", ông Châu cho hay.

Cũng theo ông Châu, nhiều trường hợp người dân không có tiền, thì sẽ giống như chung cư hiện nay, khi hết niên hạn, xuống cấp nghiêm trọng thì phải xây dựng lại. Giải pháp là Nhà nước kêu gọi chủ đầu tư mới đứng ra làm. Khi đó, chung cư có 1.000m2 đất, trước kia 100 hộ, mỗi hộ sẽ có 10m2 đất. Nhưng giờ chủ đầu tư mới vào làm sẽ xây 300 căn hộ để có lợi nhuận. Lúc này 1.000 m2 đất thì mỗi hộ sẽ chỉ còn 3,3m2 đất. 

Xem chi tiết tại đây.

Gần 500 căn nhà xã hội Đà Nẵng sử dụng, sang nhượng trái quy định

Hiện có 195 trường hợp thuộc diện giải tỏa được bố trí cho thuê căn hộ chung cư, nhà liền kề... nhưng không ở, cho thuê lại, cho người khác ở nhờ. Những trường hợp này, thành phố Đà Nẵng giao cho trung tâm quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng thông báo đến từng hộ, yêu cầu chủ hộ về ở chính chủ trước ngày 30/11/2018.

Sau thời gian trên, hộ nào còn vi phạm trung tâm sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà, thu hồi căn hộ, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND thành phố bãi bỏ chủ trương bố trí cho thuê căn hộ chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, trên địa bàn, UBND thành phố còn xác định có 269 trường hợp nhận sang nhượng căn hộ từ các hộ giải tỏa nhưng chưa sang tên. UBND thành phố giao trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, xác minh cụ thể, đề xuất gửi Sở Xây dựng trong tháng 12/2018, để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Xem chi tiết tại đây.

Tăng giá đất: Người mua nhà ở thiệt thòi

Theo Cục Thuế TP.HCM, giá trị mua bán nhà đất bình quân trên thị trường hiện cao gấp 4-6 lần so với giá nhà, đất do UBND TP quy định. Nhiều trường hợp kê khai giá chuyển nhượng nhà đất quá thấp, thậm chí có nhiều hợp đồng chuyển nhượng nhà đất kê khai giá mua bán thấp hơn mức quy định. Do đó, Cục Thuế kiến nghị UBND TP HCM tăng giá đất để tăng số thu thuế TNCN, phí về giao dịch nhà đất tại TP hơn 2.000 tỉ đồng/năm.

Thực tế cho thấy khi người dân kê khai giá trị chuyển nhượng nhà đất quá thấp thì ngành thuế lấy giá đất do nhà nước quy định cộng với giá trị hình thành tài sản trên đất đó để xác định giá trị chuyển nhượng, làm cơ sở tính thuế, lệ phí trước bạ. Theo đó, hầu hết người bán căn nhà thứ 2 trở lên nộp thuế TNCN 2% (riêng người bán chỉ có căn nhà duy nhất không nộp thuế TNCN). Còn người mua nhà đất nộp lệ phí trước bạ 0,5%.

Khi giá đất do nhà nước quy định tăng thì giá trị chuyển nhượng tăng, người mua nhà cũng bị tăng thêm lệ phí trước bạ.

Khi giá đất do nhà nước quy định tăng thì giá trị chuyển nhượng tăng, người mua nhà cũng bị tăng thêm lệ phí trước bạ.

Như vậy, khi giá đất do nhà nước quy định tăng thì giá trị chuyển nhượng tăng, kéo số thuế TNCN đối với người bán căn nhà thứ 2 tăng, đồng thời người mua nhà cũng bị tăng thêm lệ phí trước bạ. Đơn cử, nhà nước hiện áp giá 100 triệu đồng/m2 đối với đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo đó, người mua nhà nộp lệ phí trước bạ 500.000 đồng/m2 (0,5%). Nhưng trong thời gian tới, nếu được điều chỉnh, giá đất trên con đường này sẽ tăng lên 200 triệu đồng, tức lệ phí trước bạ sẽ tăng 1 triệu đồng/m2.

Theo ông Lê Văn Thông (quận Tân Bình, TP.HCM), người chuyên mua bán nhà đất, khi giá đất của nhà nước tăng làm tăng thêm thuế TNCN thì người kinh doanh chuyển chi phí này vào giá bán, cộng với lệ phí trước bạ tăng làm cho giá bất động sản tăng lên. Vì thế, người mua nhà để ở sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng cơ quan thuế đưa ra lý do người dân kê khai giá mua bán thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần làm thất thu thuế, phí để tăng giá đất là không thuyết phục. Bởi lẽ, khi người dân chuyển nhượng BĐS, cơ quan thuế đã có đầy đủ cơ sở tính thuế, phí giá đất do nhà nước quy định. Còn trường hợp người dân kê khai giá mua bán nhà đất theo giá thị trường (thường cao hơn mức do cơ quan thuế đưa ra) thì cơ quan thuế căn cứ vào mức giá này để tính thuế TNCN, lệ phí trước bạ.

"Như thế, việc tăng giá đất không phải là một biện pháp chống thất thu mà để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP HCM. Giá đất do nhà nước quy định cần tăng sát với giá thị trường để việc tính thuế, phí, đền bù giải tỏa… phù hợp với thực tiễn" - ông Tín nhận định. Thế nhưng, nếu giá đất do nhà nước quy định ngang bằng giá thị trường thì thuế và phí sẽ tăng lên rất nhiều, làm cho nhà đất tăng giá đột biến. Người mua nhà để ở sẽ gặp khó khăn.

Xem chi tiết tại đây.

Điều tra sai phạm Ngân hàng Đông Á liên quan đến đất vàng

Theo công văn, UBND TP.HCM nhận được yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đề nghị cung cấp tài liệu phục vụ điều tra liên quan vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, về hành vi vi phạm quy định cho vay, trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các cơ quan có liên quan khẩn trương tiến hành rà soát 2 dự án: Khu trung tâm phức hợp số 2 đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, quận 1 và dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Khu liên hợp thể dục thể thao thuộc phường An Phú, quận 2.

Đồng thời, tập hợp toàn bộ hồ sơ, dự thảo văn bản liên quan đến 2 dự án này để UBND TP.HCM trả lời và cung cấp tài liệu cho Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ.

Xem chi tiết tại đây.

Khó tin: Phải có hộ khẩu Đà Nẵng mới được vào ban quản trị

Sáng 27/10, nhiều cư dân sở hữu căn hộ trong chung cư cao cấp Danang Plaza (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.

Theo ghi nhận, lý do người dân tập trung phản đối là bởi chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng trì hoãn vô thời hạn hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị tòa nhà. 

Anh Nguyễn Trung Hiếu, một chủ căn hộ cho hay, người dân còn bức xúc khi chủ đầu tư cho bên thứ 3 vào thuê bể bơi ở tầng 4 trong tòa nhà để kinh doanh. Ngoài ra, do không có ban quản trị nên việc thu các khoản phí do chủ đầu tư đặt ra được cho là thiếu minh bạch, trong đó có phí thuê chỗ đậu xe rất phi lý.

Ngày 15/9 vừa qua, chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần 1, với sự tham dự của Sở Xây dụng Đà Nẵng và chính quyền sở tại. Chủ đầu tư và người dân thống nhất tổ chức hội nghị lần 2 sau đó hai tuần để bầu ban quản trị. 

"Sau đó, chủ đầu tư đơn phương có thông báo hoãn hội nghị lần 2 sang tháng 10 với lý do ‘’nhiều công việc đột xuất’’. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết tháng 10 mà hội nghị lần 2 vẫn đang trì hoãn vô thời hạn”, anh Hiếu cho biết thêm.

Đặc biệt, trước khi tổ chức hội nghị lần 1, chủ đầu tư gửi "Dự thảo quy chế làm việc và bầu cử" với nhiều nội dung được cho là rất vô lý. Một trong những nội dung bị cư dân phản đối là chủ đầu tư yêu cầu người ứng cử, được đề cử vào ban quản trị phải có hộ khẩu Đà Nẵng.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top