Aa

Đề xuất chia lại vùng kinh tế bị phản ứng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì?

Chủ Nhật, 06/01/2019 - 06:00

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải trình chi tiết đối với các ý kiến đóng góp xung quanh “Báo cáo nghiên cứu phân vùng giai đoạn 2021 – 2030”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội

Trong “Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như trước đây.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ nguyên các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Bộ cắt vùng Bắc Trung Bộ thành hai, lấy từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị làm vùng Bắc Trung Bộ; đem Thừa Thiên Huế nhập vào các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ hiện hữu, gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) hợp thành vùng Nam Trung Bộ.

Tỉnh Lâm Đồng (hiện của Tây Nguyên) được hợp nhất với tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận (hiện của Duyên hải Nam Trung Bộ) cùng nhập vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án phân vùng như trên vừa có tính kế thừa, vừa mang tính đổi mới, đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài.

“Đồng thời tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế”, báo cáo của Bộ viết.

Tuy vậy, xung quanh phương án phân chia vùng kinh tế xã hội này vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như có ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí quốc phòng an ninh; bổ sung tiêu chí biển vào tiêu chí thứ nhất; có ý kiến bổ sung đánh giá năng lực cạnh tranh cho từng vùng…

Trả lời cho các ý kiến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Bộ đã tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh trong báo cáo phân vùng. Theo đó, phân vùng quy hoạch dựa trên các căn cứ khoa học tương thích với các yêu cầu, điều kiện, bối cảnh phát triển mới, trong đó có đảm bảo an ninh quốc phòng… “Bộ đã đưa ra 7 cơ sở phân vùng, trong đó đã lồng ghép tiêu chí về quốc phòng an ninh mà không đưa thành tiêu chí riêng”, báo cáo giải trình cho biết.

Đối với ý kiến Bộ cần bổ sung các minh chứng, căn cứ lí luận và thực tiễn đối với nội dung phân tích lãnh thổ theo điều kiện tương đồng về xã hội, lịch sử, văn hóa; cần xem xét cả tính tương đồng về tập quán, tính cách con người từng vùng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong báo cáo phân vùng, Bộ đã tính đến sự tương đồng về phong tục tập quán, tuy nhiên đây chưa phải là tiêu chí quan trọng nhất.

“Phương án phân vùng mới sẽ tập trung nhiều đến việc tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy hội nhập kinh tế, liên kết vùng, quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết những vấn đề về môi trường và phát triển bền vững”, Bộ cho hay.

Đối với ý kiến cho rằng nên đưa Thừa Thiên Huế về Bắc Trung Bộ để khắc phục tình trạng vùng Nam Trung Bộ có quy mô quá lớn hay giữ nguyên Lâm Đồng thuộc tiểu vùng Tây Nguyên… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án phân vùng do Bộ thiết kế dựa trên 7 tiêu chí khác nhau. Phương án được chọn không đặt nặng tiêu chí có sự tương đồng điều kiện tự nhiên mà được căn cứ vào các tiêu chí phân vùng, sử dụng phương pháp chồng lớp bản đồ để lựa chọn phương án phân vùng tối ưu.

“Tỉnh Lâm Đồng có mối quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ hơn là vùng Tây Nguyên. Việc đưa Lâm Đồng vào Nam Trung Bộ không làm ảnh hưởng đến yếu tố an ninh quốc phòng, trong khi đó sẽ tạo đà phát triển khi có những quan hệ phát triển kinh tế nội vùng đạt hiệu quả hơn.

“Thừa Thiên Huế cũng có mối quan hệ về liên kết vùng trong phát triển du lịch và kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về phương án phân vùng theo đề xuất của Bộ cũng như cho ý kiến chỉ đạo về thẩm quyền quyết định phân vùng triển khai thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn 2021- 2030.

Theo đó, Bộ đề xuất 4 phương án. Một là Chính phủ ra nghị quyết về phân vùng phục vụ cho quản lí phát triển vùng trong giai đoạn mới đến năm 2030. Hai la Quốc hội phê duyệt việc phân vùng giai đoạn 2021 – 2030. Ba là xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc phân vùng Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Bốn là giữ nguyên phương án phân vùng hiện nay để triển khai Luật Quy hoạch.

Hiện, Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời chính thức đối với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top