Aa

Đề xuất cơ chế hỗ trợ bất động sản để đạt mục tiêu tăng trưởng

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Sáu, 23/05/2025 - 16:05

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) nhấn mạnh: muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, cần có cơ chế hỗ trợ để các dự án bất động sản phát triển, từ đó thu hút dòng vốn lớn cho nền kinh tế.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Đánh giá cao kết quả tăng trưởng, thu ngân sách từ đầu năm đến nay, tán thành các giải pháp đã được Thủ tướng báo cáo Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp, các đại biểu cũng góp thêm nhiều ý kiến để góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay về đích.

Góp ý về giải pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết ông rất đồng tình phải đẩy mạnh đầu tư công, nhưng giải ngân được 100% thì "rất thần kỳ". Theo ông Cường, muốn tăng tỷ lệ giải ngân, bên cạnh các dự án đầu tư công, nên khuyến khích sang đầu tư khu vực tư nhân, đây là chiến lược góp phần tăng trưởng nhanh.

"Tăng trưởng kinh tế dựa trên vốn và lao động. Khu vực nào hút vốn tốt thì tăng trưởng càng nhanh. Ở nước ta hiện nay, bất động sản là lĩnh vực trọng điểm để gia tăng vốn đầu tư", ông phân tích.

Đề xuất cơ chế hỗ trợ bất động sản để đạt mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Dẫn lại bài học từ Trung Quốc – nơi từng đạt mức tăng trưởng hai, ba con số nhờ bất động sản – ông Cường đặt vấn đề: "Trong giai đoạn này, ta có nên chấp nhận cho tăng trưởng nóng hay không, tôi cho rằng, trong năm 2025 - 2026, nên chấp nhận tăng trưởng nóng, đặc biệt là thông qua bất động sản".

Ông cũng lưu ý, hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam không rơi vào tình trạng "bong bóng" như Trung Quốc, mà là thiếu cung khiến giá nhà tăng cao. Do đó, cần tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án phát triển, góp phần cân đối cung – cầu.

Dẫn thống kê của Bộ Tài chính, ông Cường cho biết hiện có khoảng 2.200 dự án bất động sản bị dừng triển khai do vướng mắc pháp lý, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,9 triệu tỷ đồng và diện tích mặt bằng khoảng 320.000ha. Ông cho rằng đây là "nguồn lực khổng lồ đang bị chôn chân" và cần sớm được giải phóng.

Đề cập Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội – cho phép xử lý các vướng mắc pháp lý tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng – đại biểu đề xuất cần nhân rộng cơ chế này trên toàn quốc để thúc đẩy thị trường.

Ngoài ra, ông Cường kiến nghị bổ sung chính sách mạnh mẽ hơn cho phát triển nhà ở xã hội – một trụ cột để thị trường bất động sản tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, ông chỉ rõ các dự án nhà ở xã hội hiện còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt là điều kiện vay vốn và hạn mức dư nợ của nhà đầu tư cần được nới lỏng.

Ở tổ thảo luận TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cũng cho rằng, cần nhanh chóng giải phóng các khu đất vàng bị "đóng băng". Cụ thể là cần tháo gỡ các dự án vướng mắc, đẩy nhanh thu hồi tài sản từ các vụ án đã đưa ra xét xử rồi, giá trị rất lớn, mà để tồn đọng nhiều năm là lãng phí rất lớn, cần nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện.

"Dường như các cơ quan vẫn ngần ngại, không đề xuất phương án giải quyết. Tôi thấy có vụ 2-3 năm qua có án rồi vẫn án binh bất động. Án tuyên chưa rõ thì yêu cầu toà giải thích hoặc họp liên ngành giải quyết, chứ cứ để những khu đất vàng nằm đó rất đáng tiếc", ông Sang nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại – cảnh báo tình trạng hàng loạt dự án dang dở, bỏ hoang gây lãng phí lớn cho quốc gia. "Nhiều công trình chậm tiến độ kéo dài, đến nay vẫn chưa biết khi nào hoàn thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tăng trưởng", ông nói, đồng thời đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Liên quan đến sắp xếp bộ máy, ông Nguyễn Minh Đức lưu ý sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều tài sản công, trụ sở sẽ bị dôi dư. Ông đề nghị Chính phủ sớm có phương án xử lý hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời các địa phương phải chủ động xây dựng lộ trình rõ ràng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top