Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa trình UBND thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Đây là 1 trong 5 dự án cải tạo hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố được thực hiện theo phương thức BOT, sau khi Nghị quyết 98 cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.
Dự án sẽ nâng cấp đoạn Quốc lộ 13 dài khoảng 6,3km, bao gồm cả phần đường đầu cầu thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Quy mô cải tạo bao gồm việc mở rộng mặt đường từ 4-6 làn xe hiện tại lên 10 làn với bề rộng 60m.
Dọc theo tuyến sẽ có hành lang cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ. Đặc biệt, khoảng 3,2km ở giữa tuyến sẽ làm trên cao với quy mô 4 làn xe, hai bên là đường song hành.
![Quốc lộ 13 đoạn qua TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Lao động Quốc lộ 13 đoạn qua TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Lao động](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/11/quoc-lo-1739247415898526034825.jpg)
Quốc lộ 13 đoạn qua TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Lao động
Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho dự án là hơn 21.700 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng góp 68% (hơn 14.700 tỷ đồng), phần còn lại hơn 7.000 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động. Dự kiến, nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong 21 năm 4 tháng.
Kế hoạch thực hiện dự án sẽ bắt đầu với công tác giải phóng mặt bằng vào quý III/2025, đồng thời tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Công trình dự kiến được khởi công vào quý III/2026 và hoàn thành sau 2 năm.
Được biết, tuyến Quốc lộ 13 là trục giao thông huyết mạch dài hơn 140km, kết nối TP. HCM với các tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tuyến đường này đi qua khu vực đông dân cư, nối vào bến xe Miền Đông cũ và các quận nội thành, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông.
Trước đây, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước từng thuộc dự án cầu - đường Bình Triệu 2, được hình thành hơn 20 năm trước nhưng chưa triển khai mở rộng.
Ngoài Quốc lộ 13, bốn dự án nâng cấp đường hiện hữu khác tại TP. HCM cũng sẽ được triển khai theo hình thức BOT.
Các dự án này bao gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam và cầu - đường Bình Tiên.
Trong đó, công trình đường trục Bắc - Nam (đoạn từ Đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) có tổng chiều dài 8,6km. Tuyến này sẽ được mở rộng lên 60m và xây dựng đoạn cầu cạn dài hơn 7km với quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án ước tính gần 9.900 tỷ đồng.
Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.