Sáng nay 30/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiếp tục. Các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, và “hiến kế” để xây dựng, cải cách tổ chức bộ máy hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo về kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những mặt được thì còn nhiều tồn tại, bất cập. Chẳng hạn như bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều đầu mối; Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến; Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng, một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.
Tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, chưa đạt mục tiêu; Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến....
Đoàn giám sát xác định, để xảy ra những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện; trong giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề xuất những giải pháp, kiến nghị để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Trong số 8 đề xuất giải pháp đưa ra có việc tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp.
Đối với Chính phủ: Tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động.
Nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước.
Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng như mô hình tổ chức của các Bộ.
Đối với chính quyền địa phương: Thực hiện từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí quy định và xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp. Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện. Đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính, xác định cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế… phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại địa phương. Rà soát lại tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư.
Nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.
Giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn (hết thời hạn thì đương nhiên chấm dứt). Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.
Khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, mở rộng tự chủ của các đơn vị, hạn chế tối đa việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập tại những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư thành lập.