Aa

Đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng: Câu chuyện của tương lai

Thứ Sáu, 06/07/2018 - 07:02

Trước đề xuất làm tuyến cáp treo vượt sông Hồng của Tập đoàn Poma để phục vụ vận tải công cộng, Sở GTVT Hà Nội cho biết chỉ mới tiếp nhận đề xuất. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng bài toán quy hoạch sông Hồng phải cân nhắc và tính toán kỹ để khơi dậy được tiềm năng.

Đề xuất làm cáp treo đang gây ra nhiều trang cãi.

Đề xuất làm cáp treo đang gây ra nhiều trang cãi.

Ông Trần Hữu Bảo - Chánh Văn phòng sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Hiện nay, đơn vị chỉ mới tiếp nhận đề xuất dự án của tập đoàn Poma về việc làm cáp treo vượt sông Hồng chứ chưa có quyết định phê duyệt hay đầu tư dự án này”.

Đối với đề xuất này, ông Bảo cho rằng, đơn vị mới đang trong quá trình xem xét và nghiên cứu đề xuất dự án. Việc có làm cáp treo hay không còn phải xin ý kiến lãnh đạo thành phố, lấy ý kiến các đơn vị, các chuyên gia để đánh giá tính khả thi của dự án. Hiện nay, dự án này mới dừng lại ở khâu đề xuất.

Trước đó, Tập đoàn Poma đề xuất Hà Nội làm tuyến cáp treo vượt sông Hồng để phục vụ vận tải công cộng - VTCC (như xe buýt) có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông .

Tuyến cáp treo này sẽ được xây dựng vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp. Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 đến hơn 100m.

Tuyến cáp treo có tổng chiều dài 5,5km, các trụ đỡ có chiều cao từ 50 - 100m. Điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, điểm cuối là bến xe Gia Lâm. Mỗi cabin sẽ có sức chứa từ 25 - 30 người, theo tính toán của doanh nghiệp này thì trong 1 giờ tuyến cáp treo có thể vận chuyển được 7.000 lượt khách.

Bài toán quy hoạch sông Hồng phải cân nhắc và tính toán kỹ để khơi dậy được tiềm năng.

Bài toán quy hoạch sông Hồng phải cân nhắc và tính toán kỹ để khơi dậy được tiềm năng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa đưa ra phương án tài chính và vận hành cụ thể.

Đánh giá về đề xuất này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản) cho rằng, mục tiêu dự án trên để giảm ùn tắc giao thông thì cần phải xem lại, để giảm ùn tắc thì thực tế không đem lại hiệu quả, các nước trên thế giới chưa ai làm cáp treo để giảm ùn tắc, và vì cáp treo chỉ phục vụ được cho người đi bộ nên dễ sẽ gia tăng áp lực giao thông.

TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cũng bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của dự án và mục đích thật sự của chủ đầu tư. Dự án cáp treo vượt sông Hồng không mang tính khả thi cao, khó giải quyết vấn đề giao thông và sẽ lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất.

Trước đề xuất này, nhiều câu hỏi đặt ra liệu rằng việc xây dựng cáp treo qua sông Hồng sẽ có ảnh hưởng gì tới thị trường bất động sản. Tại buổi họp báo về thị trường địa ốc trong quý II/2018, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Định giá và Quản lý Tài Sản cho rằng, bài toán quy hoạch sông Hồng phải cân nhắc và tính toán kỹ để khơi dậy được tiềm năng.

Theo bà An, TP. Hà Nội có sông Hồng cũng như TP.HCM có sông Sài Gòn, chúng ta nên học tập từ các nước trên thế giới trong việc khai thác hai bên bờ sông. Việc đề xuất cáp treo cũng có thể là một trong những phương án nằm trong lộ trình quy hoạch đến trục sông Hồng nhưng sẽ phù hợp hơn nếu dùng cho việc phát triển du lịch.

“Nếu đề xuất trên không ảnh hưởng quá lớn tới cảnh quan di tích lịch sử, xây dựng cáp treo có thể góp phần quy hoạch hai bên bờ sông tốt hơn. Dĩ nhiên bức tranh cảnh quan bất động sản nói chung và thị trường phía Đông nói riêng vì thế tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, quan điểm CBRE cho rằng đây còn là câu chuyện dài trong tương lai, chưa thể tác động ngay tức thì tới thị trường”, bà An nói thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top