Aa

Đề xuất loạt cơ chế mới để hút vốn tư nhân vào hạ tầng đường sắt

Thứ Ba, 27/05/2025 - 21:19

Dự thảo luật đề xuất các cơ chế nhằm thu hút nguồn lực từ địa phương và khối tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt, thông qua các hình thức hợp đồng đa dạng như BT, BOT, BTO, BLT, BTL...

Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 27/5, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày tờ trình về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trước Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo đột phá về thể chế, huy động tối đa nguồn lực phát triển hạ tầng đường sắt. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

Ông cũng đề cao việc ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển vận tải đa phương thức để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Nguồn ảnh

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Nguồn ảnh: Quốc hội

Dự thảo luật đề xuất các cơ chế nhằm thu hút nguồn lực từ địa phương và khối tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt, thông qua các hình thức hợp đồng đa dạng như BT, BOT, BTO, BLT, BTL...

Các địa phương được phép sử dụng ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đầu tư một số hạng mục hạ tầng. Đồng thời, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc triển khai đầu tư xây dựng công trình đường sắt.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất rút gọn trình tự, thủ tục đầu tư bằng cách cho phép sử dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở.

UBND cấp tỉnh được quyền quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không cần trải qua thủ tục xin chủ trương đầu tư, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TP. HCM theo đúng tinh thần Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Dự thảo luật cũng bổ sung chính sách về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng, vận tải đường sắt và kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt, kèm theo yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, đào tạo đối tác Việt Nam để làm chủ hệ thống vận hành, khai thác.

Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Cụ thể, sẽ giảm khoảng 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện so với Luật Đường sắt 2017, trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi luật, song đề nghị làm rõ thêm tác động cụ thể của dự thảo đến tăng trưởng GDP, khả năng thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) cũng như thu hút đầu tư tư nhân.

Ông Huy cho rằng dự thảo đã cơ bản thể chế hóa đúng định hướng của Đảng, nhưng cần đánh giá kỹ hơn mức độ “đột phá” thực sự của các cơ chế được đề xuất.

Đồng thời, cần rà soát kỹ để đảm bảo không tạo kẽ hở dẫn đến lợi ích nhóm, vi phạm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.

Liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, ông Huy đề nghị dự thảo cần mở rộng các quy định nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới trong đường sắt như hệ thống điều khiển không người lái, công nghệ tàu đệm từ, tàu siêu tốc trong ống chân không…

Về vai trò của đường sắt với quốc phòng, an ninh, cơ quan thẩm tra nhận định đây là loại hình vận tải chiến lược, có vị trí then chốt đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo hiện nay mới chỉ quy định chung, chưa có các nội dung cụ thể.

Do đó, cần đánh giá đầy đủ hơn tác động của dự luật để đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top