Aa

Đề xuất mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ Sáu, 05/06/2020 - 06:00

Đồng bằng sông Hồng được đề xuất thêm tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và đổi tên thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Ngày 4/6, tại cuộc họp về phương án phân vùng trên cả nước giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hai phương án.

Phương án thứ nhất, giữ nguyên hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trung du và miền núi phía Bắc được tách thành Đông Bắc và Tây Bắc. Duyên hải miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Nam Trung Bộ; tỉnh Bình Thuận sang Đông Nam Bộ.

Bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông gộp vào Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới gồm các tỉnh hiện nay, bổ sung Lâm Đồng và Bình Thuận.

Phương án này được một bộ, 4 địa phương đồng thuận.

Phương án thứ hai, tách Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (Thừa Thiên Huế thuộc Bắc Trung Bộ). Đồng bằng sông Hồng được mở rộng thêm tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và đổi tên thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Như vậy, các vùng mới trên cả nước gồm: miền núi phía Bắc có 10 tỉnh; đồng bằng và trung du Bắc Bộ có 15 tỉnh; Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế); Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận). Ba vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố); đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố) giữ nguyên như hiện nay.

Phương án này được 10 bộ và 49 địa phương đồng tình. Đây cũng là phương án được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất, chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, do có tính kế thừa việc phân vùng trước đây, ít xáo trộn. Đồng bằng sông Hồng được mở rộng không gian phát triển mới; một số tỉnh ở trung du miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: VGP

Cụ thể, Hòa Bình - Hà Nội có sự gắn kết về thị trường du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Phú Thọ, Thái Nguyên và Hà Nội gắn kết qua sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như gang thép, giấy. Bắc Giang gắn kết với Hà Nội qua các khu công nghiệp xuất khẩu.

Việc tách Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng được đánh giá là hợp lý, do vùng này trải dài hơn 1.300km nên giao lưu, kết nối bị hạn chế. Vùng lại có diện tích quá lớn, với nhiều đặc trưng văn hóa, lịch sử, con người khác nhau; khí hậu, thời tiết giữa Nam và Bắc đèo Hải Vân ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội.

Vùng Tây Nguyên được giữ nguyên như hiện nay bởi có những đặc trưng văn hóa dân tộc, đời sống xã hội cần được chú trọng phát huy. Tây Nguyên có nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội, an ninh chính trị cần được quan tâm, có chính sách riêng để xử lý hài hòa. Ngoài ra, Tây Nguyên có nhiều đặc điểm khác so với Nam Trung Bộ như địa hình cao, cao nguyên đá xếp tầng (600 - 800m so với mực nước biển), khí hậu cận xích đạo với hai mùa mưa và khô rõ rệt.

Phương án phân vùng với đề xuất mở rộng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, GS. Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng trước khi nghiên cứu các phương án phân vùng thì phải đặt câu hỏi "phân vùng để làm gì?". Dù có nhiều quy hoạch, việc liên kết giữa các vùng còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, phải có thể chế về chính sách, pháp luật để quy hoạch gắn kết các địa phương, nguồn lực. Nếu không thì việc phân vùng chỉ là sự cộng dồn các địa phương. "Nhân quy hoạch về phân vùng này thì cần kiến nghị thêm về cơ chế điều hành, điều tiết trong các vùng. Đây là điểm yếu nhất từ quy hoạch đến thực tiễn", ông Thái nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng các quy hoạch vùng đang thiếu ba vấn đề rất lớn là cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng, chính sách liên kết vùng. "Cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng thì không hiện diện trong các văn bản pháp luật, còn vấn đề liên kết vùng được đề cập đến nhiều, nhưng việc thực hiện còn mờ nhạt trên thực tiễn", ông Hanh nói.

Vì vậy, ông Hanh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu các thể chế phát triển vùng; thành lập hội đồng vùng; có chính sách tài khóa vùng; liên kết vùng giữa nhà nước, thị trường và dân sự.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội, cho rằng bên cạnh việc phân vùng, cần tạo vùng kinh tế trọng điểm, vùng đặc thù để tạo động lực phát triển. Vùng Thủ đô và vùng TP.HCM là hai đặc thù, cần có quỹ hợp tác vùng để đẩy mạnh hợp tác, do Chính phủ quyết định.

Sau khi nghe ý kiến chuyên gia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quy hoạch vùng tính tích hợp đa ngành nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ. Ông đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề như mục tiêu phân vùng, cơ chế hợp tác, liên kết vùng, chính sách thu hút đầu tư...

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các phương án, trình Chính phủ trong tháng 6/2020.

Việt Nam hiện gồm 6 vùng kinh tế - xã hội: Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh); đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố); đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top