Tại buổi báo cáo về tổng quan thị trường bất động sản trong quý IV/2019, ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA cho biết đơn vị này đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị nên có quy định cụ thể về việc gắn mã số cho các môi giới khi hành nghề.
Theo ông Lâm, môi giới hiện nay có khoảng 300.000 người nhưng con số môi giới thực sự lại chỉ khoảng 80.000 người. Thời gian qua, bên cạnh những khó khăn về chính sách, nguồn cung khan hiếm thì chính những môi giới hoạt động bát nháo, làm việc cẩu thả, sau khi bán hàng thì tìm cách né tránh khách hàng đã khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin với thị trường.
Theo ông Phạm Lâm, môi giới nếu không hiểu đúng về nghề nghiệp mà họ đang làm thì rất nguy hại cho thị trường. Do đó, cần phải gắn mã số cho họ để sàng lọc bớt những môi giới làm việc thiếu trách nhiệm.
“Môi giới là phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm đến cùng với dự án mà mình đã bán. Chứ không thể bán hàng kiểu chụp giật, bán xong thì mệnh ai nấy lo. Sắp tới tôi quyết tâm viết đơn gửi tiếp. Cách thức này sẽ nâng cấp vai trò của cộng đồng môi giới và giúp thị trường phát triển theo hướng lành mạnh hơn”, ông Lâm nói.
Cũng theo vị lãnh đạo DKRA, môi giới là người phân phối sản phẩm, không tạo ra sản phẩm nhưng họ quyết định nhiều đến thị trường. Đây cũng sẽ là cơ hội cho những công ty điều chỉnh chính sách, cơ chế bán hàng, sàng lọc lại nhân sự. Các công ty cùng cần rà soát thị trường để chọn lọc những nhân sự giỏi, môi giới tốt để tạo ra được giá trị cho công ty giữa lúc thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh theo hướng tốt lên. Ngoài ra, theo ông Lâm các công ty môi giới cũng phải giải quyết bài toán công nghệ… nếu không sẽ vô cùng khó khăn trong những năm tới.
Thời gian qua, có thể nói thị trường bất động sản phía Nam đã rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Với hàng loạt các dự án bị đình trệ, nguồn cung khan hiếm trên toàn phân khúc, giá cả leo thang chóng mặt đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Trong khi đó, hàng loạt dự án đã mở bán từ các năm trước vẫn nằm “đắp chiếu” do vướng pháp lý.
Song song đó, tình trạng khách hàng căng băng rôn tố chủ đầu tư nhiều dự án chây ì trả cọc, chiếm dụng vốn càng ngày càng có dấu hiệu tăng lên. Hàng loạt công ty bất động sản bị phanh phui về những chiêu trò câu kéo khách hàng trái luật, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án chưa được cấp phép gây hoang mang cho cả thị trường. Đáng nói, một trong những nhân tố đẩy khách hàng đến rủi ro không ai khác chính là các nhân viên môi giới bất động sản.
Ghi nhận thực tế, nhiều môi giới không hề nắm rõ luật, không biết về pháp lý dự án, không tìm hiểu xem dự án có thật hay không nhưng vẫn thản nhiên rao bán cho khách hàng để lấy hoa hồng. Mong muốn có lợi nhuận khủng, nhiều môi giới sẵn sàng chèo kéo, thổi phồng dự án để bán được hàng rồi “lặn mất tăm”. Khi xảy ra chuyện, môi giới đổi số điện thoại, đổi công ty, còn khách hàng thì chới với vì không biết đi đâu để tìm người.
Do đó, theo các chuyên gia nếu trong năm 2020 có quy định cụ thể về việc gắn mã số môi giới thì nhiều người sẽ phải nhìn nhận lại bản chất thật sự của nghề, từ đó thị trường sẽ loại bớt được những thành phần môi giới chụp giật. Về những môi giới chuyên nghiệp và thật sự muốn gắn bó với nghề, họ sẽ có sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn về các sản phẩm để bán, từ đó thị trường sẽ có sự điều chỉnh phù hợp và giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư.