Aa

Đề xuất sửa đổi chính sách thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Thứ Hai, 28/10/2019 - 17:00

Trong tuần làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về một số dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Du lịch Việt Nam đang phát triển khá nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng trong ngành vẫn còn những "điểm nghẽn" cần tiếp tục sửa đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách quốc tế, trong đó có chính sách về thị thực xuất, nhập cảnh với du khách quốc tế. Ngành du lịch mong muốn các cơ quan chức năng có những ý kiến thiết thực để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh đối với với khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, cho biết: Để phát triển chính sách về thị thực của Việt Nam được tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến nước ta thì cần tập trung vào một số mảng vấn đề. Đầu tiên là Luật xuất nhập cảnh cần mở cửa, thông thoáng hơn, nhất là với những vấn đề cụ thể, được coi là “cản trở” lâu nay. Đó là cần bỏ quy định khách được miễn thị thực đã đến Việt Nam thì 30 ngày sau mới được nhập cảnh trở lại.

Theo phân tích của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là khách từ các thị trường Tây Âu, Bắc Âu, Nga… rất mong muốn được lưu trú dài ngày nhưng theo quy định chỉ được lưu trú trong 15 ngày. Hết thời hạn trên, nếu du khách muốn tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam theo diện miễn thị thực thì phải chờ ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày xuất cảnh trước đó, rất bất tiện. 

Ảnh minh họa.

Chính vì sự bất cập này mà nhiều du khách không tận dụng được lợi thế miễn thị thực mà vẫn xin thị thực thông thường. Quá trình này khá phức tạp và mất thời gian khiến nhiều du khách quốc tế “nản”, không lựa chọn Việt Nam mà đến những nước khác có thủ tục thị thực thông thoáng hơn trong khu vực. Ngành du lịch mong muốn đón thêm được nhiều khách quốc tế nhưng không chỉ đơn thuần nhằm vào số lượng mà luôn hướng tới dòng khách chất lượng, có khả năng chi tiêu cao.

Ngoài ra, ngành du lịch mong muốn các cơ quan chức năng có quy định về website thông tin chính thống tầm quốc gia, công bố cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến chính sách thị thực. Bởi lẽ, du khách quốc tế trước khi đến Việt Nam hầu hết đều tìm hiểu thông tin, trong đó có vấn đề xin thị thực qua trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở nước đó. 

Thế nhưng, theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam thì trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở hầu hết các thị trường khách du lịch trọng điểm đều không cập nhật thông tin mới nhất về danh sách các nước được miễn thị thực, được làm thủ tục thị thực điện tử... Thậm chí có những Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có tới 3 - 4 trang web nhưng thông tin lại chưa thống nhất, rất khó cho du khách khi tham khảo.

Chính phủ luôn có chủ trương rất tốt về thị thực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế vào Việt Nam nhưng việc phổ biến thông tin đến du khách ở các thị trường chưa được rộng rãi và cập nhật thường xuyên. Do đó, Việt Nam cần phải có một trang thông tin chính thống của quốc gia thông báo nhanh chóng những thông tin về thị thực và điều này cần được quy định rõ trong Luật Xuất nhập cảnh…

Thêm vào đó, cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam chưa tương đồng với thông lệ quốc tế nên chưa nâng cao được khả năng cạnh tranh, thu hút khách nước ngoài. Với các nước trên thế giới, cấp thị thực cửa khẩu là không cần phê duyệt nhân sự mà chỉ cần mang hộ chiếu đến cửa khẩu là được cấp ngay. Còn Việt Nam hiện vẫn áp dụng chính sách phê duyệt nhân sự trước nên chỉ thay vì nhận visa tại sứ quán thì du khách sẽ nhận tại cửa khẩu…

Hiện những người trong ngành du lịch đang lo lắng trước thông tin về việc đến ngày 31/12/2019 sẽ hết hạn miễn thị thực cho du khách từ một số thị trường, trong đó có ba thị trường quan trọng là Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Hiện Hàn Quốc đứng thứ hai, Nhật Bản đứng thứ ba trong số thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, còn Nga là thị trường tiềm năng. Nếu Chính phủ không có động thái gia hạn thị thực ngay từ bây giờ để du khách các nước nêu trên tiếp tục hưởng chính sách miễn thị thực trong 15 ngày thì số lượng khách từ các thị trường này đến Việt Nam sẽ giảm, mức giảm được các chuyên gia dự báo là từ 30 - 50%...

Đầu tháng 12/2019, tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", vấn đề tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị các đại biểu thảo luận, hiến kế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đề xuất cần tiếp tục mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, mở rộng danh sách các cửa khẩu được cấp thị thực điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục cải tiến các thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu; miễn thị thực đơn phương cho các thị trường hiện đang được áp dụng chính sách này, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top