Aa

Đề xuất tạm dừng hoạt động và di dời nhà máy nhiệt điện hơn 50 năm tuổi tại tỉnh sắp trở thành TP trực thuộc Trung ương

Thứ Sáu, 17/01/2025 - 13:47

Tỉnh khuyến nghị EVN phối hợp để xây dựng phương án dừng hoạt động nhà máy, đồng thời nghiên cứu triển khai các dự án điện khí LNG hoặc năng lượng công nghệ sạch trên địa bàn.

Theo Báo Lao Động, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã đi vào vận hành từ năm 1974, đã trải qua hơn 50 năm hoạt động. Tuy nhiên với công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, công suất nhỏ, cùng những tác động tiêu cực đến cảnh quan, kiến trúc và quy hoạch đô thị, nhà máy này không còn phù hợp với sự phát triển của tỉnh Ninh Bình.

Để thực hiện quy hoạch đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Ninh Bình đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng lộ trình dừng hoạt động nhà máy. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị EVN không tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy này.

Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình

Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình khuyến nghị EVN phối hợp để xây dựng phương án dừng hoạt động nhà máy, đồng thời nghiên cứu triển khai các dự án điện khí LNG hoặc năng lượng công nghệ sạch tại một vị trí khác trên địa bàn tỉnh, thay thế cho Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình.

Đối với các dự án điện không còn phù hợp, tỉnh cũng đề nghị EVN cùng rà soát và báo cáo Bộ Công Thương để loại bỏ khỏi quy hoạch, tránh lãng phí chi phí đầu tư và quỹ đất.

Hiện nay, các kế hoạch di dời Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã được bổ sung đầy đủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 28/12/2024, bổ sung kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo quyết định này, tỉnh Ninh Bình sẽ triển khai Dự án Nhà máy Điện linh hoạt công suất 300MW từ năm 2026-2030.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Tổng Công ty Phát điện 3 (thuộc EVN) đã đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Bình xem xét đưa dự án Nhà máy Điện linh hoạt 1.200MW vào Quy hoạch Điện VIII để thay thế Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình.

Theo hồ sơ nghiên cứu phát triển dự án do Viện Năng lượng lập tháng 11/2023, nhà máy này sẽ được xây dựng tại Trung tâm năng lượng thuộc xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, cách TP. Ninh Bình khoảng 45km.

Dự án có diện tích 78,6ha, trong đó 17,6ha dành cho khu vực nhà máy và 61ha cho các tuyến đường dây đấu nối và hành lang an toàn kết nối với Trạm biến áp 220kV Nghĩa Hưng (Nam Định).

Dự kiến, nhà máy sử dụng công nghệ động cơ đốt trong pit-tông RICE với công suất hàng năm đạt 2.564GWh. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 24.871 tỷ đồng, mang lại doanh thu ước tính 13.972 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 555 tỷ đồng/năm.

Theo Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại...
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top