Dự thảo Nghị định thành lập Quỹ nhà ở quốc gia đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành. Theo đó, đây sẽ là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, được mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
Quỹ sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Chính phủ lập ở cấp Trung ương và UBND cấp tỉnh thành lập ở địa phương. Cơ quan chuyên môn sẽ được giao quản lý quỹ tại mỗi cấp.
Theo đề xuất, quỹ trung ương sẽ có vốn điều lệ ban đầu tối thiểu 5.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và được tăng lên tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong vòng ba năm kể từ khi thành lập. Ngoài ngân sách cấp, quỹ có thể tiếp nhận đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng các nguồn huy động hợp pháp khác. Nguồn bổ sung vốn còn đến từ khoản thu khi bán nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan Trung ương quản lý, hoặc từ các hoạt động, tài sản khác thuộc sở hữu của quỹ.
Tương tự, quỹ địa phương sẽ được ngân sách địa phương cấp vốn điều lệ ban đầu. Ngoài ra, các địa phương có thể trích từ nguồn thu tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội, hoặc từ nguồn thu bán nhà công, đấu giá quyền sử dụng đất... UBND cấp tỉnh sẽ quyết định tỷ lệ trích nộp vào quỹ.
Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ có nhiệm vụ đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc các khu nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội để cho thuê. Ngoài ra, quỹ cũng có thể tiếp nhận và cải tạo các công trình nhà ở thuộc tài sản công hiện do các cơ quan Nhà nước quản lý để chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê lại, hoặc mua lại nhà ở do tư nhân xây dựng để phục vụ nhu cầu thuê của người dân.
Bên cạnh đó, quỹ còn được phép mua nhà ở thương mại để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo dự thảo, thời hạn hoàn thành đối với các dự án nhà ở xã hội độc lập do quỹ đầu tư sẽ không vượt quá 5 năm. Đối với các dự án có hạ tầng đồng bộ, thời gian thực hiện tối đa là 7 năm./.