Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải triển khai thu phí trên 6 đoạn cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư và hiện đã đưa vào khai thác.
Các đoạn cao tốc này thuộc giai đoạn 1 của dự án cao tốc Bắc - Nam, bao gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm cả cầu Mỹ Thuận 2).
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các tuyến cao tốc trên đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để thu phí theo quy định. Cơ sở hạ tầng phục vụ thu phí như trạm thu phí và thiết bị công nghệ đã được lắp đặt hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật và thiết bị điều hành giao thông cũng đảm bảo tiêu chuẩn.
Cục Đường bộ Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp các tuyến cao tốc này, sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì, và thu phí.
Hoạt động thu phí sẽ được thực hiện thông qua trạm với hình thức không dừng (ETC), áp dụng mô hình "đầu vào không barrier, đầu ra có barrier".
Cục cùng các Khu quản lý đường bộ sẽ giám sát hoạt động thu phí, kiểm tra số liệu thu từ các đơn vị vận hành và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đảm bảo việc thu phí diễn ra minh bạch, chính xác và đầy đủ.
Ngoài 6 đoạn cao tốc trên, cả nước hiện còn 6 tuyến cao tốc khác do Nhà nước đầu tư, bao gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, Lào Cai - Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, và TP. HCM - Trung Lương. Tuy nhiên, các tuyến này đang trong quá trình mở rộng và sẽ thu phí sau khi hoàn tất nâng cấp.
Trước đó, tháng 10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2024, quy định về việc thu phí phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc thuộc sở hữu Nhà nước và do Nhà nước trực tiếp quản lý, khai thác.
Theo quy định, 5 nhóm phương tiện sẽ chịu mức phí khác nhau:
Nhóm 1: Xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2t và xe buýt công cộng.
Nhóm 2: Xe từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải từ 2t đến dưới 4t.
Nhóm 3: Xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4t đến dưới 10t.
Nhóm 4: Xe tải từ 10t đến dưới 18t và xe container dưới 40 feet.
Nhóm 5: Xe tải từ 18t trở lên và xe container từ 40 feet trở lên.
Hai mức phí được áp dụng dựa trên tiêu chuẩn của cao tốc: Mức 1 dành cho các tuyến đạt tiêu chuẩn hoàn chỉnh; mức 2 áp dụng với các tuyến chưa hoàn thiện, thiếu các tiện ích như trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp, hoặc đường gom.
Theo Cục Đường bộ, việc thu phí cao tốc nhằm tạo nguồn thu ngân sách, phục vụ đầu tư phát triển hệ thống giao thông, đồng thời bù đắp chi phí quản lý và bảo trì. Số tiền thu được, sau khi trừ chi phí tổ chức thu phí, sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.