Nguồn vốn tư nhân: Hiệu quả, nhanh chóng và tránh tiêu cực
Ngày 30 - 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.
Tại phiên thảo luận sáng 30/10, Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
"Thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định", ông So cho hay.
Theo ông So, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, mang lại thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…
“Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So nói.
Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường.
“Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.
Cần giải quyết vướng mắc trong xây dựng các tuyến giao thông
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề cập tới giải quyết vướng mắc liên quan tới thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đại biểu này phân tích, sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Do đó, Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt vấn đề chậm phân bổ nguồn vốn trong xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài, Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái). Đây là 2 tuyến đường quan trọng đã được Chính phủ hoàn thành kí kết hiệp định vay vốn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khởi công dự án trong quý IV/2020 theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thành công tác điều chuyển tài sản, hạ tầng giao thông các tuyến đường từ tỉnh lộ thành quốc lộ các tuyến Mường Nhé qua Pắc Ma - Mường Tè - Pa Tần (quốc lộ 4H) và tuyến Mường Kim - Huội Quảng (quốc lộ 279D) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.