Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhu cầu sở hữu nhà của người dân lớn và tương lai tiếp tục tăng, tuy nhiên nguồn cung chưa đáp ứng và giá nhiều phân khúc chưa phù hợp thu nhập.
Tuy nhiên với mức thu nhập từ 6–9 triệu đồng/tháng của công nhân hiện nay, để mua được nhà ở là rất khó khăn, chỉ có số ít mua được nhà ở xã hội.
Trong đó, thị trường bất động sản vẫn chủ yếu là phân khúc nhà ở trung - cao cấp, thiếu sản phẩm bình dân và giá chưa phù hợp thu nhập nhiều người.
Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của hàng triệu công nhân thành hiện thực, rất cần những giải pháp căn cơ từ cơ chế chính sách đến quyết liệt trong khâu thực thi.
Thông tin với Lao Động ngày 24.9, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cho biết, theo thống kê về chỉ số mức sống trên thế giới cho thấy, năm 2023, tỉ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11 trong tổng số 38 quốc gia của khu vực châu Á.
Do vậy, nếu tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập 1 năm của hộ gia đình, trong khi đó chỉ số này sẽ là lý tưởng ở mức xung quanh từ 5 đến 7 lần.
Theo ông Nghĩa, thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân.
Chính vì vậy, ông Nghĩa đề nghị trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 này cần đánh giá lại có bao nhiêu thủ tục hành chính đã được cắt giảm. Đồng thời, các cơ quan cũng cần nghiên cứu có thể tiếp tục được cắt giảm được bao nhiêu thủ tục giúp giảm giá nhà.
Cùng nói về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở. Trong đó, cần tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai.
Để giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của người lao động sớm trở thành hiện thực, đại biểu đề xuất ưu đãi những người mua nhà lần đầu; hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng nhà ở theo các mức tăng dần và theo tỉ lệ nghịch với thời gian sở hữu.
Đồng thời, miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội (NƠXH) cũng như cho thuê nhà với giá NƠXH. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua NƠXH sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2-3 lần so với lúc mua.
Quan tâm đến chính sách phát triển NƠXH, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) nêu rõ, nên xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng được mua NƠXH vì thực tế nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập trung bình thấp cũng tương đối cao.
Theo TS Cấn Văn Lực, đối với NƠXH phải yêu cầu có hệ sinh thái, xây dựng cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như khuôn viên, trường học, cơ sở y tế… để tránh tình trạng lãng phí, xây dựng xong nhưng người dân không chuyển đến ở vì không có dịch vụ cơ bản phục vụ đời sống sinh hoạt.
Cùng với đó, cần quy định rõ trong dự thảo Luật về đối tượng chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng xã hội này.
Cheo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 (5.2023) và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (10.2023).