Aa

Bài 19: Dự án dính “lùm xùm” trục lợi nhà ở xã hội, Thủ Thiêm Group vẫn được vay ưu đãi 585 tỷ đồng

Thứ Sáu, 22/09/2023 - 05:55

Dù dính nhiều lùm xùm về việc môi giới "trục lợi" từ NOXH, nhưng dự án Thủ Thiêm Green House do Công ty ThuThiemGroup làm chủ đầu tư là dự án duy nhất được phê duyệt hồ sơ khi tiếp cận gói vay 120 ngàn tỷ đồng.

UBND TP.HCM mới có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh. 

Tại báo cáo này, UBND TP.HCM cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đã có một số kết quả bước đầu.

Báo cáo này cũng đưa thông tin về chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, qua 6 dự án nộp hồ sơ thì đến nay chỉ có 1 dự án được duyệt. Cụ thể, trên cơ sở hướng dẫn về đối tượng vay vốn trong Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ tại Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ Trung tâm Bảo chí TP.HCM hỗ trợ công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cá nhân và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện và đăng ký vay khi có nhu cầu (Công văn số 7774/SXD-PTN&TTBĐS ngày 01 tháng 6 năm 2023).

Kết quả, đến nay, thành phố đã rà soát 6 dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn, hưởng lãi suất ưu đãi theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023.

Trong đó, có 3 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn; Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành; Công ty Cổ Phần Đức Mạnh); 1 chủ đầu tư dự án cho công nhân thuê (Công ty Cổ phần ThuThiemGroup); 2 chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (Công ty Cổ phần Đức Khải Tân Bình, Công ty Cổ phần địa ốc DOWNTOWN). Với tổng mức đề xuất vay 2.776,7 tỷ đồng. Trong đó, dự án Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là 910 tỷ đồng; Nhà ở xã hội dành cho Công nhân thuê là 700 tỷ và Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư là 1.166,7 tỷ đồng..

Tuy nhiên, kết quả đến nay chỉ có 1 dự án cho công nhân thuê của Công ty Cổ phần ThuThiemGroup được Ngân TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh quận 7 Sài Gòn chấp chuận cho vay với số vốn 585 tỷ đồng. Còn 5 dự án còn lại vẫn đang làm hồ sơ, hoàn tất thủ tục với ngân hàng để thẩm định và cấp hạn mức cho vay.

Dự án Thủ Thiêm Green House có mục đích xây dựng phục vụ cho công nhân, nhưng đang biến tướng khi được bán sai đối tượng
Dự án Thủ Thiêm Green House có mục đích xây dựng phục vụ cho công nhân, nhưng đang biến tướng khi được bán sai đối tượng

Thủ Thiêm Green House là dự án dính nhiều "lùm xùm" liên quan đến việc môi giới tư vấn cho khách hàng làm giả hồ sơ để bán sai đối tượng. Trước đó, Reatimes đã thông tin trong bài Chiêu trò trục lợi nhà ở xã hội và xây dựng trái phép tại Thủ Thiêm Green House, trong quá trình đi tìm hiểu mua nhà ở xã hội tại dự án Thủ Thiêm Green House (phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức), PV đã trực tiếp làm với các môi giới và "ngã ngửa" khi trên thực tế đối tượng thuê mua khác hẳn với mục tiêu của dự án. 

Liên hệ đến một số môi giới thuộc các sàn bất động sản GP Land, Center Land, Vietnam Land..., PV đều được tư vấn khá chi tiết về hồ sơ mua bán nhà ở xã hội tại đây, với nội dung tư vấn tương đương nhau. Theo lời một môi giới, để có thể mua (tức ký hợp đồng thuê 50 năm) tại dự án này, khách hàng phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: có thường trú tại TP.HCM, chưa đứng tên bất động sản tại TP.HCM, không đóng thuế TNCN hoặc đóng không thường xuyên và là công nhân viên đang làm việc thành phố Thủ Đức.

Tuy nhiên, khách hàng chỉ cần đáp ứng đủ 2 điều kiện chính là chưa có nhà tại TP.HCM và thu nhập dưới 132 triệu/năm (hoặc không đóng thuế), còn 2 điều kiện phụ còn lại thì đều được dịch vụ "lo tất". Khi PV thắc mắc rằng "trong trường hợp khách hàng không phải là công nhân ở thành phố Thủ Đức thì có mua được không", môi giới liền gợi ý về các dịch vụ có thể hỗ trợ với chi phí trọn gói là 30 triệu đồng.

Theo đó, dịch vụ này sẽ "phù phép" cho khách hàng dễ dàng sở hữu một tấm giấy xác nhận có sẵn mộc đỏ, xác nhận đang làm việc tại một trong các KCN, khu chế xuất ở thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng thường trú tại tỉnh thành khác, nếu muốn có hồ sơ đang thường trú tại TP.HCM thì chỉ cần đóng 30 triệu đồng là hoàn tất hồ sơ trong vài ngày,... 

Khi PV thắc mắc rằng trong trường khách hàng có thu nhập cao, thì có thể mua không?. Môi giới khẳng định điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến hồ sơ mua. "Anh cứ yên tâm, nếu thu nhập cao nhưng không đóng thuế thì không ai biết. Chỉ cần có 2 điều kiện là anh chị chưa có nhà tại TP.HCM và không đóng thuế TNCN là có thể mua được ngay". 

Ngoài ra, môi giới này cũng khẳng định đối tượng mua nhà ở xã hội tại dự án "không cần phải làm công nhân trong các khu công nghiệp", mọi thứ đều sẽ có dịch vụ "lo tất". Khi PV hỏi tại sao mục tiêu của dự án là "Nhà ở xã hội dành cho công nhân" nhưng người mua lại không phải là công nhân, thì môi giới này tiết lộ "đã chủ đầu tư lo hết rồi".

Cần có biện pháp mạnh tay ngăn chặn "trục lợi" từ nhà ở xã hội

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trục lợi từ nhà ở xã hội là câu chuyện không còn mới, nhưng hiện nay đang ngày càng tinh vi hơn và khó kiểm soát. Trong đó, bán sai đối tượng là biến tướng thường gặp. Vì muốn bán hàng nhanh, đơn vị bán nhà ở xã hội thường có nhiều cách để lách luật. Một khi dự án được bán sai đối tượng thì sẽ xuất hiện tình trạng hồ sơ nộp rất "khủng", nhiều "người giàu" cố chen chân để "tranh suất" kiếm lời, dẫn đến đối tượng thật lại khó tiếp cận.

Luật sư Phượng cho biết, thực tế tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm. Tuy nhiên việc quy định cấm mua bán nhưng lại không có biện pháp ngăn chặn.

“Việc hậu kiểm sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến việc "nhiều người giàu" vẫn tranh nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội, sau đó bán sang tay để kiếm lời, trong khi nhiều người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội”, ông Phượng nói.

Theo vị Luật sư, muốn hạn chế tình trạng trên, cần phải có sự phối hợp kiểm tra chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước với ban quản lý, ban quản trị dự án, có tổ hậu kiểm danh sách mà chủ đầu tư nộp lên để phát hiện ra các trường hợp "gian lận". Đặc biệt, cơ quan quản lý cần vào cuộc xác minh đối tượng bằng cách xem xét doanh nghiệp có bảo hiểm xã hội cho người lao động hay không để xác minh đúng đối tượng nếu là công nhân các khu công nghiệp. Cơ quan quản lý cũng cần công khai danh sách người được duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội để ban quản trị, người dân chủ động giám sát, tố cáo những người “tranh” suất mua rồi bán kiếm lời thì mới có thể đảm bảo công bằng cho người thu nhập thấp đúng nghĩa.

“Nếu không công khai thông tin đầy đủ để người dân cùng phát hiện, ngăn chặn việc mua bán không đúng luật sẽ rất thiệt thòi cho người khó khăn có nhu cầu ở thật”, ông Phượng nói thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top