Aa

Đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40 – 70 tầng

Thứ Bảy, 16/09/2017 - 06:01

UBND TP. Hà Nội đang xin ý kiến các bộ ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000.

Đồ án này nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có liên quan tới vấn đề xử lý không gian khu vực Ga Hà Nội.

Ga Hà Nội sẽ không di dời ra khỏi nội đô

Theo quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, do Sở Quy hoạch-kiến trúc Hà Nội lập, với sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ-Nhật Bản (viết tắt là NSC), vị trí quy hoạch sẽ thuộc địa giới hành chính các quận Đống Đa (các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên), quận Hoàn Kiếm (phường Cửa Nam), quận Ba Đình (phường Điện Biên), quận Hai Bà Trưng (phường Nguyễn Du).

Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1ha; với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).

Hà Nội sẽ không di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô.

Hà Nội sẽ không di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô.

Với đồ án này, Ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.

Tăng khả năng tiếp cận giữa khu vực ga Hà Nội tới các công trình của khu phố cổ, khu phố Pháp và khu vực phía Tây quận Đống Đa. Đồng thời, phát triển không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất hiện có, nâng cao đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc tiếp cận hành khách của các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 3 thông qua không gian các lối đi bộ ngầm kết hợp phát triển các công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, văn hoá tại khu vực.

Quy hoạch cũng nhằm sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất theo hướng mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở đô thị, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân cư...

Liên quan đến việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch; khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông khu đất; khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch; khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch. 

Bên cạnh đó, công trình điểm nhấn cũng được Đồ án đề xuất với 3 phương án thiết kế chiều cao các công trình trong phạm vi quy hoạch, các công trình cao từ 100-200m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.

Trong đó, công trình điểm nhấn cao 200m được nghiên cứu bố trí tại các vị trí gồm: Phương án 1 tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang; phương án 2 tại phía Đông Nam hồ Linh Quang; phương án 3 tại khu vực phía Nam hồ Linh Quang. Với 3 phương án này, UBND thành phố đề xuất lựa chọn phương án 1 là bố trí 1 công trình điểm nhấn chính cao 200m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang.

Cần  23.800 tỷ đồng để “biến” đồ án quy hoạch thành hiện thực

 Về phân kỳ khu vực đầu tư, đồ án đưa ra 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 đến năm 2020: Triển khai xây dựng các công trình tái định cư khu vực Nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và khu vục tập thể Văn Chương; thực hiện tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm.

Giai đoạn 2 (phát triển đến năm 2030), sẽ triển khai xây dựng mạng lưới đường giao thông và đường ngầm cho người đi bộ. Xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt. Giai đoạn 3 (phát triển từ năm 2025 đến 2035), cùng với giai đoạn 2 đảm bảo 100% nhà ở tái định cư để thúc đẩy phát triển. Xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch.

Để biến quy hoạch thành hiện thực, đơn vị lập đồ án cũng đưa ra khái toán tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ rơi vào khoảng 23.800 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Hà Nội đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật (khoảng 700 tỷ đồng); chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 3 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, nhà ga và các kết cấu ngầm của tuyến (khoảng 100 tỷ đồng); chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 1 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, ga Hà Nội và các công trình trong phạm vi khu đất ga Hà Nội (khoảng 3.000 tỷ đồng); chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình dự án của mình (khoảng 20.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, một trong những giới hạn của đồ án trên chính là việc xây dựng các công trình cao tầng với chiều cao tối đa 200m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang, thuộc khu vực nội đô lịch sử, gần với di tích quốc gia cấp đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (do đây là khu vực không không cho phép xây dựng công trình mới có nhà ở cao tầng).

Mặt khác, đồ án cũng làm tăng quy mô dân số khu vực nội đô lịch sử trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 800.000 người lên thành 824.000.

Cùng đó là việc thay đổi hướng tuyến phố Quốc Tử Giám kéo dài kết nối với phố Lý Thường Kiệt (tại đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến phố này dự kiến kết nối với phố Trần Hưng Đạo sẽ ảnh hưởng đến công trình nhà ga Hà Nội hiện có).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top